Nghị quyết 1973 của LHQ về việc can thiệp quân sự vào Libya không cho phép triển khai bộ binh. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, hàng loạt vụ không kích của NATO vẫn không thể giúp quân nổi dậy chiếm ưu thế so với lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Sốt ruột trước thế trận nhì nhằng, phương Tây không ngừng tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho Hội đồng chuyển giao lâm thời (NTC) của quân nổi dậy như cung cấp vũ khí, viện trợ tài chính... Ngoài ra, cả chính phủ Pháp lẫn Anh đều bác bỏ hoặc trả lời lấp lửng khi được hỏi về việc gửi đặc nhiệm đến huấn luyện quân nổi dậy, một hành động có thể vi phạm Nghị quyết 1973.
|
Cố vấn “đặc biệt”
Sau khi quân nổi dậy giành quyền kiểm soát phần lớn thủ đô Tripoli, tờ Le Figaro ngày 22.8 dẫn lời phát ngôn viên NATO Oana Lungescu khẳng định: “Chúng tôi không phối hợp với các lực lượng trên bộ”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đều bác bỏ ý kiến cho rằng lực lượng đặc nhiệm 2 nước này hỗ trợ NTC. Tuy nhiên, những diễn tiến tại chiến trường Libya cho thấy điều ngược lại. Giậm chân tại chỗ trong hơn 5 tháng kể từ khi bắt đầu giao tranh nhưng chỉ trong vòng 15 ngày, quân nổi dậy đã có những bước tiến cực kỳ nhanh chóng để đánh thẳng vào Tripoli.
Theo Bộ Tư lệnh quân đội Pháp, đây chỉ là kết quả của “sự giao thoa” giữa nhiều yếu tố. Le Figaro dẫn lời phát ngôn viên Thierry Burkhard giải thích: “Từ lúc mở đầu chiến dịch, các cuộc không kích của liên quân đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh quân sự của phe Gaddafi. Song song đó, lực lượng chống chính phủ ngày càng tiến bộ. Khi cả 2 yếu tố này gặp nhau sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính quyết định”. Cùng lúc đó, Paris lại thừa nhận có gửi một số “cố vấn đặc biệt” sang Libya để đảm bảo mối quan hệ quân sự với NTC.
Những luận điểm này tỏ ra thiếu thuyết phục đối với giới quan sát. Có rất nhiều ý kiến cho rằng “cố vấn đặc biệt” là cách nói tránh về các chiến binh đặc nhiệm SAS của Anh và COS của Pháp. Lâu nay, thành viên SAS và COS thường được gửi sang một số nước để hỗ trợ huấn luyện các đội biệt kích. Ngày 25.8, một phóng viên của AFP khẳng định đã thấy đặc nhiệm Anh và Pháp đang cùng hoạt động với quân nổi dậy trên mặt trận phía đông. Các nhân viên này đóng tại một nhà máy lọc dầu ở Zuwaytina, cách Benghazi khoảng 150 km về phía tây nam.
Huấn luyện và hơn thế nữa
Tờ Le Nouvel Observateur dẫn lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp Eric Dénécé nhận định: “Trước đây, lực lượng nổi dậy hoàn toàn chẳng biết gì về quân sự. Việc huấn luyện đã giúp họ đỡ tệ hơn”. Theo ông Dénécé, tại Libya, có những sĩ quan quân đội hoạt động ngầm của Pháp, Anh, Mỹ, thậm chí cả Ý và Ai Cập. Báo Telegraph thì dẫn các nguồn tin quốc phòng Anh cho biết nhân viên đặc nhiệm của nước này đã được phái sang Libya cách đây vài tuần và đóng vai trò then chốt trong việc điều phối cuộc chiến giành Tripoli. Nhiệm vụ của các “cố vấn đặc biệt” phương Tây là hướng dẫn về chiến lược và cách sử dụng những loại vũ khí hiện đại vừa được cung cấp cho phe nổi dậy.
Một trong những thành quả của các đợt huấn luyện này là lữ đoàn tinh nhuệ mang tên Katiba Tripoli của quân nổi dậy. Đây chính là đạo quân thực hiện tấn công Tripoli và đồng thời có nhiệm vụ đảm bảo an ninh sau khi ông Gaddafi bị lật đổ, theo Le Figaro. Thành lập vào tháng 4.2011 tại Benghazi, Katiba Tripoli có quân số từ 500 - 1.000 người và được các chuyên gia quân sự phương Tây đào tạo.
Ngoài nhiệm vụ luyện quân, các đặc nhiệm còn đóng vai trò “dẫn đường” rất quan trọng cho các cuộc không kích của NATO. Đến nay, sau khi phe nổi dậy gần như hoàn toàn chiếm được Tripoli, đặc nhiệm phương Tây tiếp tục tham gia hỗ trợ truy tìm ông Gaddafi, theo tờ The Daily Telegraph.
Phe nổi dậy nói “có quyền giết ông Gaddafi” Phe nổi dậy Libya ngày 31.8 tuyên bố nhiều khả năng ông Gaddafi đang ẩn náu tại khu vực Bani Walid, tây nam Tripoli hoặc ở ngoại ô thủ đô và họ có quyền giết nhà lãnh đạo này. “Chúng tôi tin rằng Gaddafi đang ở Libya và chúng tôi có quyền tiêu diệt ông ta”, AFP dẫn lời Ahmed Darrad, người phụ trách nội vụ của NTC nói. Ngoài ra, bất chấp việc lực lượng trung thành với ông Gaddafi cương quyết không đầu hàng và tình hình an ninh chưa được bảo đảm, phe nổi dậy vẫn bác bỏ ý tưởng triển khai lực lượng quân sự quốc tế tới nước này. BBC dẫn lời phái viên LHQ về Libya Ian Martin cho hay LHQ đã xem xét triển khai quan sát viên quân sự đến Libya, nhưng NTC khẳng định không cần sự giúp đỡ bên ngoài để duy trì an ninh. Mặt khác, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu tuyên bố liên quân sẽ tiếp tục duy trì sứ mệnh ở Libya vì lực lượng của ông Gaddafi vẫn là “mối đe dọa đối với dân thường”. NATO cũng khẳng định biết nhà lãnh đạo này đang ở đâu. Lê Loan |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)