Người Hồi giáo lại nổi giận

21/06/2007 00:33 GMT+7

Việc Anh phong tước cho nhà văn S.Rushdie đã khiến thế giới Hồi giáo phẫn nộ. Sau Pakistan, giới lãnh đạo Iran cũng đã lên tiếng và sự việc chưa dừng lại ở đó.

Hãng thông tấn IRNA của Iran hôm qua đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập Đại sứ Anh tại Tehran G.Adams đến để tuyên bố rằng việc phong tước hiệp sĩ cho tác giả cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi Những vần thơ của quỷ sa tăng là "hành động khiêu khích" đối với người Hồi giáo.

Theo BBC, tại Pakistan, Đại sứ Anh R.Brinkley cũng được Bộ Ngoại giao Pakistan triệu đến để bày tỏ sự phản đối. Đáp lại, Anh cho biết ông Brinkley đã chuyển tải "tâm trạng lo ngại sâu sắc" của London sau khi Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Pakistan I.ul-Haq nói rằng việc tôn vinh Rushdie tạo ra cơ hội chính đáng cho các vụ tấn công liều chết.

Nhà văn Rushdie, một người Anh gốc Ấn, bị buộc tội đã báng bổ đạo Hồi trong cuốn Những vần thơ của quỷ sa tăng, từng gây ra làn sóng phản đối quốc tế khi được xuất bản vào năm 1988. Hãng tin AP cho biết Rushdie phải sống ẩn náu sau khi bị tuyên án tử hình bởi lãnh đạo tối cao đã quá cố của Iran, Giáo chủ R.Khomeini, vào năm 1989, và quyết định này đến nay vẫn chưa được rút lại.

Cảnh sát Anh đã tăng cường bảo vệ Rushdie khi người Hồi giáo nổi giận với việc ông được phong tước. Hiện chưa rõ hành tung của nhà văn Anh, nhưng người ta tin ông thường đi về giữa London và New York (Mỹ). Có tin một tổ chức ở Tehran (Iran) đã treo thưởng 80.000 bảng (hơn 159.000 USD) cho ai lấy được thủ cấp của Rushdie.

Quyết định phong tước hiệp sĩ cho ông Rushdie được công bố cuối tuần qua. Nằm trong danh sách tôn vinh của Nữ hoàng Anh còn có phóng viên C.Amanpour của Đài CNN cùng một điệp viên nhị trùng gốc Nga và vài người khác. Vụ trưởng Vụ châu u thuộc Bộ Ngoại giao Iran E.Rahimpour được BBC dẫn lời nói rằng "hành động chưa được xem xét kỹ, đáng ngờ và mang tính sỉ nhục của Anh là dấu hiệu rõ ràng về sự bài xích đạo Hồi", gây tổn thương nghiêm trọng đến 1,5 tỉ người Hồi giáo. Ông Rahimpour nói rằng Chính phủ Anh và Nữ hoàng Anh phải "chịu trách nhiệm về hậu quả của sự khiêu khích trên". Pakistan thì cho rằng hành động của Anh là "hoàn toàn thiếu nhạy cảm". Phía Anh đã bác bỏ ý kiến cho rằng việc tôn vinh Rushdie là nhằm sỉ nhục đạo Hồi hay nhà tiên tri Mohammed.

Trong khi cuộc tranh cãi ngoại giao vẫn tiếp diễn thì sự giận dữ cũng không ngừng lan rộng trong thế giới Hồi giáo. Hôm qua, theo Hãng tin Reuters, hàng trăm người ủng hộ đảng Hồi giáo đối lập Parti Islam se-Malaysia đã tập trung trước sứ quán Anh ở Kuala Lumpur (Malaysia) hô khẩu hiệu đòi Anh rút lại quyết định phong tước.

Trước đó, tàn quân Taliban ở Afghanistan cũng ra thông cáo chỉ trích Chính phủ Anh, coi đó là "một sự lăng mạ nghiêm trọng của những kẻ ngoại đạo". Tại Anh, Hội đồng Hồi giáo Anh cũng lên án việc phong tước cho Rushdie nhưng kêu gọi người Hồi giáo kiềm chế. Phản ứng giận dữ từ thế giới Hồi giáo một lần nữa khiến người ta nhớ tới làn sóng biểu tình khắp nơi theo sau vụ một vài tờ báo châu u cho đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohammed cách đây chưa lâu.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.