Cuộc gọi từ bên kia bán cầu...

03/05/2008 10:43 GMT+7

Anh ơi đang có bão, mưa đá cục nào cục nấy lớn bằng nắm tay, điện cúp hết rồi. Cả nhà đang quây quần xuống nhà dưới, thắp nến... tụi nhỏ có đứa đang khóc...". 8 giờ sáng, thứ sáu, có một cơn bão lớn đi qua vùng Mansfield, Texas, và bạn tôi gọi như vậy.

Bão, cúp điện và họ phải thắp nến trong một tầng hầm nào đó tại một ngôi nhà trên đất Mỹ. Xứ sở hiện đại, chỉ cần một sự cố mất điện đã là chuyện kinh khủng. Lại còn mưa đá, sấm sét, những ngọn nến và những đứa trẻ co rúm người lại...

Nhưng tất cả không phải vậy, cú điện thoại xuất phát từ một lý do khác: một đứa cháu run rẩy bảo với bố nó: "Con sợ lắm". Bố ôm con vào lòng: "Cố gắng lên, hồi xưa ở VN bố còn khổ hơn thế này. Mưa bão rồi chiến tranh, bom đạn nữa". Im lặng, rồi ai đó nói tiếp: "Mà VN bây giờ cũng hết chiến tranh rồi, VN đã yên bình, chỉ có điều còn nghèo khó...".

P. bảo rằng câu nói của người anh làm anh sực tỉnh và có nhu cầu gọi cho bất cứ ai đó ở VN. Cũng chẳng biết để làm gì ngoài hai từ "chia sẻ” - cái từ mà P. bảo với những người Việt ở Mỹ, làm được nó cũng là một điều khó khăn lắm...

Trong mail của mình, P., một Việt kiều trẻ tuổi đang trong những ngày cuối cùng hoàn tất khóa học MBA, kể: anh vừa nói chuyện với một giáo sư người Mỹ mới từ VN trở về. Vị giáo sư nói với anh rằng ông đảm bảo là đi khắp châu Á rồi, không có nơi nào mà người ta cởi mở, nhiệt thành như ở Sài Gòn; rằng ông quí mến VN, VN sẽ phát triển mạnh về công nghệ thông tin nhưng nguồn nhân lực thì đào tạo còn thua xa Ấn Độ.

Một cuộc điện thoại khác, P. nói anh tức quá vì vừa qua ở trường anh có một bà giáo sư đến VN để giới thiệu về trường mình. Nhưng công tác chuẩn bị quá ẩu của phía đối tác nên bà qua chỉ ở tại một khách sạn nhỏ, gặp gỡ chỉ một nhóm nhỏ học trò và hiệu quả chuyến đi không có. "Trời ơi!" - P. tức kêu lên. Không phải bởi chuyện một cái hợp đồng mà là những nhà tổ chức ở VN đã bỏ lỡ một cơ hội giới thiệu cho "mấy đứa nhỏ bên nhà mình" một nơi học tốt - bởi P. biết trường đó là một trường rất đàng hoàng, có chất lượng cao...

Cứ thế, câu chuyện học hành trải đều, rằng ngày xưa P. cũng khó khăn vô cùng mới hội nhập được nước Mỹ. Người ta sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa đó, người ta chỉ đi học kiến thức; còn mình, tiếng họ thì phải học từ đầu, còn văn hóa nước họ quá xa lạ để mà biết những điều cơ bản... Rồi mãi cũng vươn lên, cũng trở thành một trong 24 học trò giỏi nhất trường trung học.

Ngày tốt nghiệp, bà hiệu trưởng gặp gỡ những học trò giỏi nhất, hỏi từng người sau này sẽ làm gì. Người trả lời làm phi công, người muốn làm IT, người làm ngân hàng. Tới P., anh chỉ đáp gọn: Tôi muốn về VN! Tất cả mọi người đều quay phắt lại nhìn P. như một cái gì đó lạ lẫm. Bà hiệu trưởng tròn mắt: "Tại sao cậu có ý nghĩ đó? Tôi hiểu gia đình cậu phải trả một cái giá quá đắt để đến và thích nghi được nước Mỹ, tại sao cậu cứ muốn quay về?". P. lắc đầu cười cười bảo vì em thích thế.

Giải thích làm sao được với những người nước ngoài khi mà chính anh còn không lý giải được câu chuyện của mình? Gia đình anh, trong cuộc ra đi ngày ấy, đã có một chị đi trên một chuyến tàu khác bị chìm cùng với mấy mươi người khác. Mấy chục năm rồi gia đình không có một dòng tin.

"Why? - Tại sao?". Câu hỏi không phải đến từ những người Mỹ mà ngay cả bạn bè trang lứa của P. cũng sẽ thốt lên khi anh nói muốn một ngày nào đó về VN. Tại sao, tại sao và tại sao? Khi mà anh có rất nhiều ngày phải chạy đôn chạy đáo tìm nhà giúp những du học sinh ra trường và tìm cách ở lại nước Mỹ. Anh giúp bạn mà tự hỏi tại sao mình lại có hướng nghĩ khác họ?

Mới đây, anh lại gọi điện kể những câu chuyện mình đi chúc tết họ hàng ở Cali, Texas... có những chi tiết làm anh buồn lòng khi những đứa cháu con một người anh bà con không biết nói "chào cậu" bằng tiếng Việt. Rằng để cho con nít như vậy là điều cấm kỵ đối với gia đình anh. Bởi ở đó những đứa trẻ vừa sinh ra đã được nựng nịu bằng tiếng Việt, được cha mẹ dạy dỗ trong nhà bằng thứ tiếng Việt chuẩn nhất mà họ đang gìn giữ. Cứ thế, từ ngày sang Mỹ tới giờ, họ đã truyền được nền nếp cho đến đời thứ tư. P. kể rồi ngập ngừng: "Nhưng cũng lo quá anh à, không biết mình còn duy trì được bao lâu nữa giữa dòng chảy cuộc sống này?".

Anh bảo bên nhà khó mà hiểu được bi kịch trong lòng một nước Mỹ: "Gia đình tôi cứ như đi trên dây văng: một bên là ước muốn cho những đứa trẻ phải nói thật giỏi tiếng Anh, phải "Mỹ hóa" thật nhanh để thích nghi, tồn tại và vươn lên hơn người bản địa; mặt khác, họ không muốn nhìn những đứa con mình lạc xa nguồn cội, xa lạ cả với ông bà, cha mẹ trong nhà”. Nhiều khi chỉ được một trong hai điều như thế và người ta rơi khỏi dây văng.

Ngày hôm qua có một cơn bão đi qua vùng Mansfield với cả một cơn mưa đá. Người từ bên kia Trái đất cho tôi hay như vậy. Có nghĩa là giữa mạch ngầm thông tin vẫn là câu chuyện "cổ": con người, ở đâu, giàu nghèo, hiện đại hay quê mùa, lạc hậu... vẫn ẩn chứa trong người mình nhu cầu đơn lẻ của cái thời hoang dã nhất trong cõi con người là sẻ chia.

"Thế giới phẳng" kéo cả nỗi lo cơm áo gạo tiền từ trong nước ra ngoài và nó cũng kéo cả những tâm trạng, những âu lo của người bên ngoài về bên trong nước. "Ừ, hãy làm một điều gì đó..." - P. nói vậy, tôi biết anh có nhiều dự định về quê nhà...

Theo Nguyễn Văn Tiến Hùng - Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.