Người gây dựng các chuỗi nhà hàng

14/11/2009 23:29 GMT+7

Vượt qua những tháng ngày gian khó, ông Phạm Văn Thành đã trở thành một doanh nhân thành đạt trên đất nước Canada.

Ở Montreal, Canada, Tamashi và Kyomi nằm trong số những nhà hàng mới hình thành đẹp nhất thành phố, tầm cỡ 4 - 5 sao, có vốn đầu tư gần 2,5 triệu CAD (khoảng 43 tỉ đồng VN), đều do ông Phạm Văn Thành và người bạn làm chủ. Ông Thành là một trong số những doanh nhân nổi tiếng trong cộng đồng Việt ở Canada với tài gây dựng những chuỗi tiệm ăn tên tuổi.

Thành công nối tiếp thành công

Ngày nay, đồ ăn Việt Nam ở Montreal đã được biết đến nhiều, nhưng Chez Lien, thương hiệu đầu tiên mà ông Thành gây dựng, là chuỗi tiệm đầu tiên ở đây bán đồ ăn Việt. Đây là chuỗi tiệm đồ ăn Việt duy nhất ở Montreal, hiện gồm có 18 tiệm đều làm ăn rất thịnh. Và còn nhiều nhân viên cũ của ông Thành ra mở những tiệm ăn khác theo công thức của Chez Lien. Ông Thành bảo: “Lúc tôi ở Montreal thì người bản xứ Canada cũng chưa biết đồ ăn Việt Nam là gì. Nhưng khi đi ăn, tôi nhận thấy rằng đồ ăn của người bản xứ rất nghèo nàn, trong khi đồ Việt mình hết sức phong phú. Mỹ, Canada mạnh hơn mình về rượu, về những loại bánh, nhưng đồ ăn lại thua mình xa. Từ ý tưởng đó tôi muốn xây dựng một chuỗi tiệm ăn Việt để quảng bá đồ ăn Việt Nam”.

Từ năm 1995 đến 2000, Chez Lien liên tiếp đoạt Huy chương vàng giải “Best Business Award - chọn lựa của người tiêu dùng”. Cách đây mười năm, ông Thành đã nhượng quyền thương hiệu chuỗi tiệm này, vẫn giữ quyền sáng lập viên, để chuyên tâm phát triển một chuỗi 6 tiệm mới chuyên về đồ ăn Thái Lan. Ông Thành chia sẻ: “Thấy đồ ăn Thái thịnh hành, tôi cũng muốn mở. Trong trường hợp này, mình là người Việt mà đồ ăn Thái vốn là phạm vi mình không hề biết, nhưng nếu quyết chí, vẫn mở được.

Ban đầu tôi mời đầu bếp người Thái và cho họ cổ phần trong công ty, nhưng điều kiện tôi yêu cầu viết công thức thì họ không chịu. Cuối cùng tôi đi mua sách nấu ăn Thái, và kiếm đầu bếp người Việt về cùng nghiên cứu công thức, rồi xem cách trình bày của các tiệm Thái như thế nào”. Chuỗi tiệm ăn Thái Lan có tên là “Le Gout de la Thailande” cũng giành được huy chương bạc “Best Business Award”. Ông Thành tiếp tục tự gây dựng, sửa đổi rồi bán lại, hoặc cố vấn giúp anh em họ hàng, bạn bè mở hàng loạt nhà hàng sau đó, những Zend'o (2 tiệm), Tomo, Exotica, Ectazi, Foud'asie, We d'asie, Mizu, Soya... Nhiều chuỗi nhà hàng mới do ông Thành giúp chủ nhân gây dựng, mà câu chuyện về những thành công “mê hoặc” này đã được truyền tụng.

Ông Thành kể, lúc đầu ông định làm dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu, nhưng khi làm những nhà hàng khác ông nhận ra mức lợi nhuận chưa đủ để nhượng quyền thương hiệu, và cũng không lên thị trường chứng khoán được. Ông lại xoay qua gây dựng một chuỗi nhà hàng bán cả đồ ăn Thái, Việt, Nhật, đồng thời phối hợp với kinh doanh địa ốc khi tự mua mặt bằng, gây dựng nhà hàng, cho thuê mặt bằng... Kinh doanh đi từ nhà hàng, đến nhà hàng mới, và địa ốc. Hai nhà hàng lớn Tamashi và Kyomi, một cái hơn hai năm, một hoạt động được gần một năm, là dạng thức mới mà ông Thành đang thí điểm: đó là mở nhà hàng cao cấp với giá rất cao. Mặc dù kinh tế thế giới đang thời kỳ khó khăn, cả hai nhà hàng đều bán chạy, và khách mỗi ngày một tăng. Ông nói: “Khi bán đắt mà vẫn có khách, thì lợi nhuận sẽ cao. Lợi nhuận cao như vậy mình sẽ dễ có cơ hội để bán quyền thương hiệu hoặc lên thị trường chứng khoán hơn”.

Đam mê và kiên trì

Xuất thân là giảng viên Đại học Đà Lạt, ông Phạm Văn Thành từng theo học thạc sĩ ngành sinh học tại Mỹ. Khi ông lấy bằng năm 1973, cuộc chiến tranh tại Việt Nam còn khốc liệt, ông sang Canada. Sống không có giấy tờ hợp pháp, ông phải vật lộn để kiếm sống. Chưa biết làm gì, tình cờ được một người bạn nhờ trông giùm nhà hàng trong vài tháng. Nhờ chịu học hỏi, ông đã biết thêm một nghề mới. Tưởng theo nghiệp bút nghiên mà cuối cùng lại rẽ ngang sang nghiệp kinh doanh, ông Phạm Văn Thành chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu đi về ngành khác, không chừng tôi còn thành công hơn. Mình là người dạy học, bán chữ lấy tiền sống, ban đầu bước ra để làm kinh doanh cực kỳ khó khăn. Làm thế nào để có thể kinh doanh được, cần có những yếu tố nào? Tìm hiểu kỹ tôi nhận thấy rằng thực sự những người làm kinh doanh người ta không cần tiền, mà cũng không cần bằng cấp cao, mà quan trọng là ở cách làm. Và yếu tố chính là con người”.

Khi ông Thành bắt đầu mở chuỗi tiệm Chez Lien, cộng đồng người Việt ở đó có hơn 500 người, cũng có vài ba tiệm ăn của người Việt. Nhưng sau này, những chủ tiệm đó đều rẽ sang con đường khác. “Trong việc này, yếu tố kiên trì rất quan trọng. Tôi khởi đầu sau các anh em khác, nhưng tôi muốn làm sao cho đồ ăn của mình được phổ biến và tôi không bỏ cuộc. Tất cả những người muốn thành công, cái chìa khóa căn bản đầu tiên là phải có sự đam mê một cách nhiệt thành, muốn làm một cái gì, phải cố gắng làm cho đến nơi đến chốn. Đam mê cùng sự kiên trì, trước sau mình cũng đạt được cái mình muốn”.

Tham gia những hoạt động kết nối với trong nước cùng Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Canada trên cương vị Chủ tịch hội, ông Thành hy vọng mình cũng sẽ thực hiện được mong ước giúp hướng nghiệp cho các bạn trẻ theo ngành phục vụ, bằng hình thức kết hợp giảng dạy ở một trường phù hợp. Vì ở Việt Nam hiện nay, nhân lực phục vụ cho ngành này chưa có nhiều, vừa thiếu vừa yếu, trong khi vẫn còn nhiều người trẻ tuổi băn khoăn trước muôn nẻo trường nghề. Và một mơ ước sâu xa nữa, là ngày nào đó sẽ tìm được những học trò như ý để truyền nghề, ví dụ như tạo nên một loại rượu đặc trưng phù hợp với gu khách quốc tế, mang thương hiệu Việt Nam.

Tôi hy vọng việc làm của tôi sẽ cổ vũ những người trẻ tuổi, không vốn liếng, nhưng có đam mê nhiệt tình với một dự án nào đó và nhất định cố gắng hoàn thành. Hãy kiên trì, xin chớ có nản lòng. Tôi tin là bạn trẻ đó sẽ thành công”, ông Phạm Văn Thành nói. 

Thanh Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.