Nối mạng với khoa học gia Nasa

18/07/2006 23:14 GMT+7

Những ngày qua, khi tàu con thoi Discovery của NASA hoạt động trong không gian, từ "Thành phố vũ trụ" Space Coast, gần mũi Kennedy, Hoa Kỳ, tiến sĩ Bruce Vu đã nối mạng với chúng tôi.

Vu là ai?

Sinh năm 1962, thiếu thời Vũ Thành Long (tên Việt của Bruce Vu) theo học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học rồi Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn, Vũng Tàu. Năm 1980 định cư tại Mỹ, để nắm vững tiếng Anh, Long bỏ ra 2 năm học cùng lúc chương trình cấp 3 tại Trường trung học Oak Grove (TP San Jose, California) và chương trình cử nhân tại Đại học UC (TP Davis, California). Sau đó, anh lên cao học tại University of Alabama, TP Huntsville và cuối cùng làm luận án tiến sĩ tại Mississippi State University, TP Starkville. Thư anh viết: "Năm 1987, tôi ra trường với 2 bằng cử nhân kỹ thuật hàng không và kỹ thuật cơ khí, được tạm thời nhận vào làm việc tại Trung tâm NASA Ames, phía Bắc California. Đây là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của NASA, với những hầm gió khổng lồ cạnh những khối óc thông thái đến từ khắp nơi trên thế giới".

Tại đó, nhận thấy tầm hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp, Long quyết định trở lại trường học thêm trình độ cao học, và một năm sau anh được chính thức mời về làm việc tại Trung tâm NASA Marshall ở Huntsville, tiểu bang Alabama. Đây là trung tâm chịu trách nhiệm chính về phần động cơ phản lực và từng đóng góp phần then chốt trong thời kỳ Apollo đổ bộ mặt trăng. Về làm việc ở NASA Marshall được 2 năm, Long lại "ra đi" học tiếp lên tiến sĩ. Chỉ sau một năm anh vượt qua hết các kỳ thi sát hạch và trở về nhiệm sở cũ tại Marshall. Mải mê làm việc, Vũ Thành Long quên khuấy chuyện hoàn tất luận án ở Đại học Mississippi. Khi nhà trường nhắc nhở, anh mới nhớ ra! NASA liền chu cấp toàn bộ kinh phí và anh đã bảo vệ luận án thành công ngay trong năm 1999. Tiếp đó, anh được đặc cách vào nhóm Fellowship do Giám đốc NASA sáng lập. Bản tin của NASA cho biết, đây là khoa học gia gốc Việt đầu tiên được vinh dự này. Anh giảng dạy 2 khóa (6 tháng) tại Trường đại học Alabama, 18 tháng còn lại được tự do đi làm cho Công ty Boeing và Trung tâm nghiên cứu của Lục quân Hoa Kỳ.

Vu là người Việt

Nhà khoa học trẻ 100% Việt Nam đang nghiên cứu một số đề tài dành cho dàn phóng phi thuyền không gian của NASA nhưng anh không thể tiết lộ hết mọi điều. "Công việc tôi tham gia kể từ khi Trung tâm Kennedy nhận về làm việc vĩnh viễn, chỉ có thể nói thế này: gia nhập nhóm nghiên cứu ảnh hưởng của âm thanh, độ rung trên dàn phóng và môi trường xung quanh khi phóng phi thuyền. Nghiên cứu này còn dang dở thì mới đây Trung tâm Kennedy có nhiều thay đổi để đáp ứng chương trình không gian do Tổng thống Bush vừa đề xướng. Họ lại yêu cầu tôi vào nhóm mới, chịu trách nhiệm chính trong các chế tạo hỗ trợ cho thế hệ phi thuyền tương lai, nhưng buộc cam đoan không được tiết lộ ra ngoài công chúng". Khoa học gia Bruce Vu của NASA đang giữ trọng trách đầy nhạy cảm.


Gia đình Vũ Thành Long tại Thành phố vũ trụ Space Coast, mũi Kennedy -  Ảnh do VTL cung cấp

Câu chuyện tiếp tục theo hướng mới: Thưa, có phải vì tự ái lẫn tự hào dân tộc mà anh đã liên tục học giỏi và làm việc không mệt mỏi? Vũ Thành Long viết như reo: "Anh nói đúng! Năm 1980, khi còn tạm cư tại Indonesia và Singapore, tôi đọc thấy vẻ coi khinh của người bản xứ. Tuy nhiên, tôi đã không buồn mà xem đó là nguồn động lực rất mạnh để giúp mình vươn lên. Thời gian đã trả lời: sau khi định cư tại Mỹ, thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai của cộng đồng Việt Nam hải ngoại có không ít thành công rực rỡ. Người Việt dứt khoát không chịu thua người xứ khác! Thậm chí có những người tạm cư năm xưa, nay đã quay lại các trường đại học ở Đông Nam Á với tư cách là giảng sư. Riêng tôi cũng có phần may mắn đi kèm nỗ lực tự thân: chuyên đi đầu trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Hồi 1983, hầu như có rất ít bạn trẻ người Việt cùng thế hệ chọn học ngành kỹ thuật không gian như tôi. Đến đầu thập niên 90, khi công nghệ điện toán phát triển, một số chuyên gia dùng trợ lực của các máy siêu điện toán để giải trình những bài toán cơ lưu chất (Fluid Mechanics) bằng phương trình vi phân thì tôi đã làm việc tại NASA được vài năm. Và chỉ một hai năm sau đó, tôi là một trong số ít người nắm vững ứng dụng rất phức tạp này".

Vũ Thành Long và gia đình đã từng về Việt Nam sau 22 năm xa cách. Khác với đông đảo Việt kiều, thấy xe gắn máy làm xiếc trên đường là run, anh đã lái xe Honda Cup đưa vợ con "bay lượn" từ Vũng Tàu lên tới Sài Gòn. Anh còn ra Hà Nội, Nam Định thăm anh em bà con của bố, về Đà Nẵng, Quảng Nam thăm quê vợ và nhậu "cờ tây" thật hăng say. Đặc biệt, sau chuyến về nguồn ấy, anh đã viết bài Chinh phục Nguyệt Cầu 2018, đề cập khá nhiều chi tiết trong buổi giảng ngoại khóa về đề tài anh đang nghiên cứu lúc bấy giờ tại ĐH Bách khoa TP.HCM theo lời mời của giáo sư Nguyễn Thiện Tống.

Hướng về quê hương

Thử đặt vấn đề về Việt Nam công tác, Vũ Thành Long nói rất thật: "Nếu vậy, tôi sẽ chỉ giẫm chân tại chỗ do không có điều kiện nghiên cứu. Tuy nhiên, có một việc chắc chắn tôi và một số anh em khác sẽ đóng góp được là giảng dạy tại bất cứ đại học nào ở Việt Nam vào các kỳ nghỉ bên này. Hiện tôi đang dạy buổi tối ở một đại học gần nhà. Tiếng Việt của tôi còn rất tốt, nhưng nếu có yêu cầu giảng dạy bằng tiếng Anh cũng thật thoải mái. Các đại học Việt Nam đang muốn có các giáo sư nước ngoài, tôi cũng có thể giảng dạy như họ và lợi điểm hơn họ là nghe, hiểu được cả hai thứ tiếng".

Đề cập về Ủy ban Vũ trụ Việt Nam sẽ sớm được thành lập và theo đó, sẽ có chiến lược thu hút những Việt kiều đang làm việc trong lĩnh vực này, Vũ Thành Long khẳng định: "Chắc chắn sẽ có nhiều chuyên gia gốc Việt hết mình ủng hộ, tuy nhiên thành phần then chốt, nắm phần quan trọng trong các quyết định, tổ chức phải là người trong nước, những người có đóng góp toàn thời gian. Chúng tôi chỉ có thể đóng vai trò cố vấn mà thôi".

Nhìn lại một quãng đường, Vũ Thành Long cho biết "kinh nghiệm" công việc của anh gồm: phụ tá nghiên cứu, hầm gió dưới tốc độ âm thanh, phòng thí nghiệm cơ lưu chất tại NASA Ames, Moffett Field, CA (1988-1989); kỹ sư, vận tải hàng không tại NASA Marshall, Huntsville, AL (1989-2002); khoa học gia, hệ thống phóng tại NASA Kennedy, Florida (2002 đến nay); giáo sư phụ, Alabama A&M (2001-2002), Florida Institute of Technology (2004 đến nay).

- Vũ Thành Long báo tin: "Tàu con thoi Discovery về lại Kennedy Space Center. Chuyến đi kỳ này rất thành công. Chỗ tôi làm, không khí rất phấn khởi. Hy vọng sẽ có tin hấp dẫn cho bạn đọc Thanh Niên". Anh cũng gửi kèm bài viết Chinh phục Nguyệt Cầu 2018 với nhiều kiến giải về cuộc đổ bộ, lập căn cứ của NASA trên mặt trăng trong hơn 10 năm tới. Chúng tôi sẽ giới thiệu cùng bạn đọc bài viết lý thú này.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.