Thăm gia đình một Việt kiều ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất: "Tên con là Ái Hương"

27/01/2007 23:08 GMT+7

Mất một giờ lái xe chạy loanh quanh giữa những cao ốc chọc trời của thành phố Abudhabi, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), chúng tôi tìm đến nhà một Việt kiều. Doanh nhân Lê Thúy Nga kể chị đã ở UAE suốt năm, sáu năm mà chỉ quen một gia đình người Việt, và có lẽ là gia đình duy nhất ở kinh đô này. Đó là kỹ sư Lương Văn Báu, chuyên gia cao cấp của Pháp từ Paris qua đây làm việc đã lâu.

Bấm chuông một căn hộ sang trọng. Người mở cửa đón chúng tôi là anh Báu. Được chị Nga giới thiệu trước, Báu vừa bắt tay chào khách, vừa kêu lên: "Mẹ Hằng ơi! Các con ơi! Ông Việt Nam đến". Tức thì từ những căn phòng, một phụ nữ và ba cháu gái chạy ùa ra. "Chào chú mới qua" - người phụ nữ vòng tay chào lễ phép. Và ba đứa trẻ đều vòng tay như mẹ, miệng nói: "Chúng con chào ông Việt Nam". Bé gái lớn nhất trong đám trẻ, độ mười hai tuổi, nói rõ ràng: "Con xin chào ông nội, ông ngoại"...

Báu giới thiệu: "Đây là Mỹ Hằng, vợ cháu. Còn đây là các con của cháu".

Tôi bắt tay cháu gái lớn nhất và hỏi tên. Cháu vòng tay: "Thưa ông nội, ông ngoại... Tên con là Ái Hương". Và Ái Hương giới thiệu tiếp hai em rồi nghiêm sắc mặt như người lớn, Hương mắng hai em bằng một giọng Pháp đặc sệt Paris: "Vòng tay lại, tự giới thiệu tên với ông nội, ông ngoại đi nào!". Thấy hai em còn lúng búng, Hương nói luôn: "Thưa. Em kế cháu là Tiểu Long Nữ. Em gái út là Nhật Linh".

Báu đỡ lời con và thanh minh việc con gái đã mắng em bằng tiếng Pháp trước mặt khách rằng Mỹ Hằng, vợ Báu, đã sang sống ở Pháp từ lúc vài ba tuổi và họ sinh con ở Paris, các cháu học trường Pháp và qua UAE cũng học trường dạy bằng tiếng Pháp. Ở nhà, Báu phải dạy vợ và ba con tiếng Việt. Bây giờ vợ và con anh vẫn còn phải học nhiều nữa, vì chưa rành nhiều tiếng Việt.

Từ lúc gặp nhau, Ái Hương níu tay đi theo và ngồi cạnh tôi, không rời ra nữa. Tiểu Long Nữ chạy đi bưng hộp đồ chơi ra, chọn con gấu đẹp nhất cho ông. Còn Nhật Linh thì đi lấy ra hai thanh sô-cô-la, tự bóc một thanh đưa mời ông, còn một thanh thì Linh đưa cho mẹ.

Tôi hỏi Ái Hương vì sao gọi ông vừa "nội" lại vừa "ngoại". Cháu trả lời bởi ba dạy bố của ba là ông nội, bố của mẹ là ông ngoại. "Con gọi như vậy cho chắc ăn vì chưa rõ ông là bố của mẹ hay của ba".

Lần đầu tiên mới biết mặt, nhưng cả nhà xem tôi như bà con ruột thịt. Qua chuyện trò, tôi biết gia đình này mang quốc tịch Pháp. Báu quê gốc Nam Định, Mỹ Hằng thì gốc Sài Gòn. Báu là kỹ sư chế tạo ngành hàng không, đang làm việc cho Hãng Dassault Aviation. Trước đây hãng của Báu có bán cho UAE mấy chục máy bay phản lực quân sự "Mira". Đến nay nước mua yêu cầu cải tạo và nâng cấp số máy bay đó. Hãng đã chọn trong một ngàn kỹ sư giỏi lấy 50 chuyên gia giỏi nhất đưa sang làm việc cho UAE, trong đó có các kỹ sư chế tạo máy, động cơ, vũ khí... Báu là người Việt Nam duy nhất, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu sản xuất vỏ và thân máy bay.

Ở Pháp, Báu đã mở một xưởng sản xuất phục vụ cho máy bay trực thăng. Anh đã làm ra một mô hình máy bay trực thăng siêu nhẹ, đã bay thử mấy vòng trên bầu trời Pháp, được đánh giá rất tốt, có triển vọng cho công việc sản xuất máy bay trực thăng. Anh cho biết hiện nay, tốc độ máy bay trực thăng không quá 300 km/giờ. Báu muốn chế tạo loại hợp kim siêu nhẹ và làm ra loại trực thăng bay nhanh hơn các loại hiện có. Anh muốn được về Việt Nam để mở một nhà máy sản xuất máy bay trực thăng hoặc máy bay nhỏ, nhẹ, dùng trong gia đình và phục vụ cho ngành du lịch, nông nghiệp...

Tôi kể cho Báu nghe ở tỉnh Tây Ninh, Việt Nam ta cũng có anh "Hai Lúa" bán hết đồ đạc, ruộng vườn bỏ tiền ra tự làm một chiếc máy bay trực thăng. Báu tỏ vẻ ngạc nhiên, vui vẻ hỏi "Hai Lúa" tốt nghiệp kỹ sư hàng không ở nước nào và địa chỉ của "anh Lúa" để liên lạc. Tôi giải thích cho Báu biết "Hai Lúa" không phải tên cụ thể của người nào. Tất cả nông dân ở Nam Bộ, nơi sản xuất nhiều lúa gạo thì bà con quen gọi là Hai Lúa. Tôi hứa về nước sẽ gửi qua cho Báu tờ báo có đăng về họ cùng hình ảnh Hai Lúa và chiếc máy bay trực thăng. Báu hỏi Chính phủ có ủng hộ việc làm như vậy của những Hai Lúa hay không. Và anh tâm đắc: "Nên ủng hộ những ước mơ và hành động sáng tạo của những ông Hai Lúa đáng yêu này".

Sống ở kinh đô Abudhabi  nhộp nhịp, giàu có nhưng Báu cho biết: "Nhớ bên nhà lắm. Ngay hồi ở Pháp, sống giữa đông đúc người Việt vẫn cảm thấy cô đơn và nhớ làng, nhớ nước. Bởi thế khi sinh con gái yêu đầu lòng, Báu và Hằng đã đặt tên con là Ái Hương nghĩa là yêu quê hương lắm. Ở Abudhabi buồn vì ít người Việt, cứ đến ngày lễ, Tết Việt Nam trong gia đình vẫn tổ chức và thờ cúng cho các con biết truyền thống và văn hóa quê nhà. Ngày Quốc khánh 2.9 vừa rồi, cả nhà Báu về thành phố Dubai rủ vài gia đình Việt Nam tập trung đến nhà cô giáo Thúy Vinh, cùng nhau tự nấu lấy các món Việt Nam để ăn mừng Tết Độc lập".

Nguyện vọng của Báu là muốn về nước để được làm máy bay, phục vụ trong ngành hàng không Việt Nam. Tôi hỏi Báu nếu đất nước còn khó khăn, không lo đủ lương nuôi vợ con và cung cấp nhà cửa, xe cộ ngót 10.000 USD hằng tháng như người Pháp đã trả, thì Báu có dám về làm việc bên nhà không, Báu nói mình đã lường trước khó khăn và sẽ chấp nhận cuộc sống như những đồng nghiệp khác ở trong nước. Nếu Chính phủ kêu gọi và nhân dân cần, thì khó khăn, gian khổ mấy, Báu cũng đem vợ con về. Đã nhiều Tết Nguyên đán Báu và Hằng chưa được về quê. Báu tâm sự: "Cứ đến gần Tết Việt Nam là xốn xang trong lòng, cứ muốn về. Nhưng công việc ở UAE còn dở dang".

Sau một thời gian được sống gần gũi, lúc tôi chia tay về Việt Nam cả nhà Báu đều bịn rịn như đã quen thân nhau từ lâu lắm. Riêng Ái Hương, đứng riêng ra một chỗ, thút thít dụi mắt. Tôi nắm bàn tay nhỏ của cháu, Hương kéo tôi cúi thấp xuống và nói nhỏ vào tai tôi: "Tên con là Ái Hương. Về nước ông đừng quên tên con nghe ông"...

Trần Công Tấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.