Thiên Nga giữa núi rừng châu Phi

05/07/2009 00:17 GMT+7

Chào đời ở Sài Gòn, lớn lên tại Mỹ và nghiên cứu khoa học tận châu Phi, Nguyễn Thiên Nga như cánh chim thiên nga không mỏi, bay khắp nơi với niềm đam mê khoa học và tình yêu thiên nhiên cháy bỏng. Nghe đọc bài

Một lần lên mạng tìm thông tin, tôi đã bắt gặp câu chuyện rất thú vị về “tình yêu thuần khiết” ở loài khỉ đầu chó. Theo hãng tin BBC, nhà linh trưởng học Nga Nguyen thuộc Đại học bang California ở Fullerton cùng đồng sự, sau nhiều tháng ngày nghiên cứu ở vùng Amboseli tại Kenya, đã đi đến kết luận rằng loài khỉ đầu chó thường duy trì mối quan hệ trong sáng, tức không có quan hệ tình dục, giữa con đực và con cái.

Công trình khoa học rất đặc biệt này cùng hình ảnh cô gái trẻ xinh xắn, với nước da ngăm ngăm mang dấu ấn của những tháng ngày gió sương, đứng trên triền núi đầy cỏ hoa, xung quanh là những chú khỉ nhởn nhơ vui đùa, đã thôi thúc tôi liên lạc với tác giả. Và tôi đã được gặp chị, một nhà khoa học đầy nhiệt huyết. Chị đã kể cho tôi nghe về tuổi thơ sóng gió, về những ngày đi học đầy ước vọng, về niềm đam mê khoa học và tình yêu thiên nhiên của mình.

“Tên Việt Nam của tôi là Nguyễn Thiên Nga”, nữ tiến sĩ trẻ bắt đầu câu chuyện.

Hành trình đến với khoa học

“Tôi chào đời ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1976. Ít lâu sau ngày tôi ra đời, cha bỏ gia đình ra đi nên tôi lớn lên mà không biết mặt ông”, Thiên Nga hồi tưởng. Năm 1982, hai mẹ con Thiên Nga và gia đình bà con rời Việt Nam. Tuổi thơ đầy sóng gió cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn là động lực thúc đẩy Thiên Nga học tập. Và cô đã được vào một trường đại học rất uy tín tại New York, trường Barnard College. “Họ hỗ trợ tài chính rất hào phóng cho tôi, bởi gia đình tôi quá nghèo, không đủ khả năng trang trải”, Thiên Nga kể.

“Từ bao giờ, chị đã quyết định rằng sau này sẽ là một nhà nghiên cứu động vật linh trưởng?”, tôi hỏi. Nữ tiến sĩ trẻ kể, hồi còn nhỏ, cô đã đọc nhiều sách và biết được rằng người ta có thể trả tiền cho các nhà khoa học triển khai đề tài nghiên cứu về động vật và người cổ đại ở một số khu vực hẻo lánh tại châu Á và châu Phi. “Tôi đọc sách về các nhà thám hiểm và khoa học gia nổi tiếng, và tôi khát khao được nhìn thấy những vùng đất mà họ đã tới. Từ lúc đó, tôi biết rằng cách duy nhất để mình làm được điều này là phải học và trở thành nhà nghiên cứu”, cô tâm sự.

Đến khi tham gia khóa học do giáo sư nổi tiếng của Đại học Columbia, tiến sĩ Marina Cords giảng dạy, cô sinh viên gốc Việt bắt đầu mê ngành linh trưởng học. Thiên Nga được biết rằng tiến sĩ Cords đang nghiên cứu loài khỉ xanh ở vùng rừng Kakamega của Kenya. Cô kể: “Nếu tôi chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình trong lớp học gần 200 sinh viên này, bà ấy có thể chọn tôi làm trợ lý trong chuyến đi đến Kenya. Thế là tôi nộp đơn và đã được chấp thuận”.

Tháng 6.1997, Thiên Nga tới Kenya, chuyến thám hiểm lớn đầu tiên của cô tại lục địa đen.

Tình yêu châu Phi

Thiên Nga là một trong 6 sinh viên được tiến sĩ Cords chọn đi nghiên cứu khỉ xanh ở rừng Kakamega tại Kenya. Lần đầu tiên xa nhà, phải sống ở một thế giới hoàn toàn khác lạ, đó thực sự là một trải nghiệm vừa thú vị vừa đầy thử thách.

Tại miền rừng núi châu Phi, Thiên Nga đã có dịp gặp Peter Fashing, lúc bấy giờ đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Cords. Peter và Thiên Nga cùng chung một tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê khoa học cháy bỏng. Từ đó, một tình yêu lứa đôi đã đơm mầm. Sau này, khi đã thành vợ chồng, hai người tiếp tục cùng nhau đi đến nhiều miền đất xa xôi để tìm hiểu về các loài linh trưởng.

Năm 2002, khi Peter Fashing hoàn tất chương trình tiến sĩ và tới Rwanda để nghiên cứu loài khỉ colobus ở vùng rừng Nyungwe, Thiên Nga đã đi theo. “Chúng tôi rất thích làm việc trong các vùng rừng ở Rwanda, nhưng thật là kinh khủng khi nghe kể về thảm họa diệt chủng năm 1994, với gần 1 triệu người bị giết trong 100 ngày”, cô kể.

Trong chương trình tiến sĩ của mình, Thiên Nga đã có một trải nghiệm không thể nào quên. Đó là 14 tháng sống trong lều ở vùng Amboseli thuộc miền nam Kenya, từ tháng 7.2002 tới tháng 11.2003. Amboseli là một khu vực với rất nhiều sư tử, voi, linh cẩu, ngựa vằn. Nhiệt độ ban ngày thường trên 40 độ C.

“Ở Amboseli, tôi sống trong một khu lều được bao bọc bởi một hàng rào điện để ngăn voi xâm nhập. Hằng ngày, tôi và các nhân viên người Kenya lái xe tới khu vực khỉ đầu chó sống để nghiên cứu. Công việc của tôi là quan sát hành vi của khỉ, thu thập mẫu phân để phân tích chất nội tiết, DNA...”, cô cho hay.

Cuộc sống ở Amboseli rất khắc nghiệt. Thiên Nga sống cách xa các khu đô thị. Mỗi ngày có một chuyến máy bay nhỏ chở du khách tới và trở về thủ đô Nairobi. Khoảng 2-3 tháng cô mới tới Nairobi một lần. Còn thị trấn gần nhất cách Amboseli nhiều giờ xe hơi. Thiên Nga hồi tưởng: “Lúc đó tôi nhớ nhà vô cùng, nhớ Peter và nhớ món ăn Việt Nam do mẹ nấu”. Đôi lúc, hoàn cảnh khắc nghiệt khiến Thiên Nga hơi nản, nhưng nhìn bầy khỉ vui đùa giữa thiên nhiên, ngắm đỉnh Kilimanjaro cách đó không xa, cô lại thấy vui và quyết tâm hơn trong công việc.

Sau những ngày tháng ở Kenya, năm 2005, Thiên Nga và chồng lại triển khai chương trình nghiên cứu khỉ gelada ở vùng Guassa, Ethiopia. Đó là một vùng núi non cao trên 3.000m, đầy hoa, chim và khỉ gelada, loài khỉ chỉ được tìm thấy ở Ethiopia. Tại đây, mỗi ngày Thiên Nga và Peter đi bộ theo đàn khỉ, có ngày họ đi tới 10 km, để thực hiện công việc khoa học. Họ luôn phải đi bộ và sống hầu như tách biệt với thế giới văn minh. Khoảng 2-3 tháng mới có một chuyến xe chở họ tới thủ đô Addis Ababa, cách đó khoảng 300 km.

Cuộc sống ở miền núi non Ethiopia dù có nhiều khó khăn, Thiên Nga và Peter vẫn dành trọn niềm đam mê cho khoa học. Giờ đây, sau rất nhiều năm “khiêu vũ cùng bầy khỉ”, cô đã có thể “hiểu được ngôn ngữ cơ thể của chúng”. Cô cũng biết mặt từng con trong đàn khỉ hàng trăm cá thể mà cô nghiên cứu. Tất cả những điều này càng nuôi lớn niềm đam mê khoa học nơi nhà nghiên cứu trẻ tuổi này. 

Tiến sĩ Nguyễn Thiên Nga: Muốn sẻ chia kinh nghiệm với Việt Nam

Lớn lên ở New York, chị lại sang tận châu Phi xa xôi để nghiên cứu, chị không thấy đó là một quyết định mạo hiểm sao? Ở châu Phi, chị có thường đối mặt với nguy hiểm?

 Thiên Nga theo đuổi đam mê khoa học tại châu Phi - Ảnh: P.J. Fashing

Thiên Nga theo đuổi đam mê khoa học tại châu Phi - Ảnh: P.J. Fashing

- Mẹ muốn tôi trở thành bác sĩ hoặc y tá. Không ai trong gia đình nghĩ rằng tôi sẽ đi tới một nơi nào đó ở châu Phi để nghiên cứu. Bạn bè người Việt cũng nghĩ rằng con bé này chỉ có điên mới đi học sau đại học để lấy bằng tiến sĩ. Đó là những trở ngại ban đầu. Còn ở châu Phi, những chỗ tôi tới đều là vùng hẻo lánh, nơi mọi người có điều kiện sống tương đồng nhau, không điện, không nước máy, nên chẳng có chuyện cạnh tranh, giành giật. Bạo lực chỉ xảy ra ở đô thị, nơi người giàu sống cạnh người nghèo. Ở chốn hoang dã, đôi khi tôi cũng có gặp nguy hiểm, chẳng hạn như đang mãi theo dõi đàn khỉ thì lũ voi xuất hiện hoặc nghe tiếng sư tử gầm, nhưng rồi tôi cũng thoát được. Thách thức lớn nhất là khi làm việc với giới chức địa phương. Là nhà nghiên cứu độc lập, tôi có rất ít tiền. Mỗi đồng tôi chi ra đều phải hợp lý, nếu không các tổ chức sẽ ngưng cấp ngân sách. Tuy nhiên, các cơ quan chính quyền ở Ethiopia cứ nghĩ người nước ngoài là có rủng rỉnh tiền bạc, nên họ thường vòi tiền hoặc xe. Ngay cả chúng tôi cũng không có xe để phục vụ cho việc nghiên cứu thì lấy đâu xe cho họ. Tôi nghe bạn bè nói rằng chuyện này không chỉ xảy ra ở châu Phi, mà nhiều nơi khác. Thế nên tôi buộc phải chấp nhận nó như một thách thức phải vượt qua trên con đường nghiên cứu khoa học.

Trong kế hoạch của mình, chị có dự định nào ở Việt Nam không? Hoặc chị có chào đón các nghiên cứu sinh từ Việt Nam cùng tham gia trong các chương trình của chị?

- Tôi từng đến Việt Nam vào năm 1998, lúc đang học năm thứ 3 đại học, chủ yếu là ở Hà Nội để học ngôn ngữ, văn học, văn hóa và lịch sử. Tôi cũng đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Đây là nơi có nhiều loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng và việc bảo tồn là cực kỳ quan trọng. Tại châu Phi, tôi chọn miền Đông để nghiên cứu vì ở đó hầu như không có nạn săn bắt thú hoang, khỉ ở đó rất dạn người. Ở Tây Phi, nạn săn bắt thú hoang phổ biến và điều này tương tự với Việt Nam, nên thú rất sợ người. Sẽ là vô trách nhiệm nếu bất cứ nhà khoa học nào tập cho bầy khỉ trở nên dạn người ở những khu vực mà nạn săn bắt phổ biến. Bởi vì sau khi nhà nghiên cứu ra đi, những con thú dạn người này sẽ đối mặt với nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, tôi rất mong có cơ hội trở lại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã. Chúng ta bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài hoang dã không chỉ để có nguồn nước, không khí, đất đai sạch. Chúng ta bảo vệ còn vì niềm vui mà chúng ta có được khi cùng chia sẻ hành tinh này với các loài khác. Tôi cũng rất hạnh phúc khi được hướng dẫn cho các sinh viên khoa học đến từ Việt Nam. Các bạn quan tâm hãy vào website của tôi (http://anthro.fullerton.edu/nganguyen).

Đỗ Hùng
(thực hiện)

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.