Tổ quốc trong tim người Việt ở Thái Lan

19/05/2007 07:18 GMT+7

Do những biến thiên lịch sử, hiện ở Thái Lan có khoảng 50.000 Việt kiều sinh sống. Đa số bà con sống ở vùng Đông Bắc, chưa kể một số làm ăn, học tập ở thủ đô Bangkok. Họ ra đi từ thuở chiến tranh kháng Pháp và nay đã có nhiều thế hệ trở thành người Thái gốc Việt. Tiếp xúc chúng tôi, có cụ ông hóm hỉnh: “Nói đi một vài năm ai ngờ hết một đời”.

1. Họ đã trải qua nhiều năm dài khó khăn nơi đất khách, thậm chí có thời kỳ không được phép rời khỏi nơi cư trú, không được học tiếng Việt, không được làm ăn lớn... Nhưng dẫu thế nào, bao người Việt vẫn mang hình Tổ quốc trong tim, vẫn tham gia hoạt động cách mạng, “chia lửa” với cuộc chiến tranh giữ nuớc ở quê nhà.

Bà con lưu giữ hình ảnh Bác Hồ như lưu giữ niềm tin bất biến trước những đổi thay. Ông Thavorn Nguyen Van ở Mukdahan là một trong bao người như vậy. Sinh năm 1947, ông Nguyễn Văn Quỳ được nhập tịch Thái hôm 25.4.2006 với tên Thavorn Nguyen Van, 3 tháng sau khi ông trực tiếp gửi thư cho cựu Thủ tướng Thaksin.

Suốt mấy chục năm, gia đình ông vẫn lập bàn thờ Bác nơi trang trọng nhất, vẫn thường xuyên thắp nhang cầu nguyện Bác và nâng niu những gì liên quan đến cách mạng Việt Nam. Còn nhớ hôm đưa chúng tôi đến thăm nhà ở Mukdahan, ông Thavorn Nguyen Van đã say sưa hát những bài ca cách mạng được người cha dạy đã mấy chục năm.

Có bài ông dịch sang lời Thái, Lào để “lớp trẻ dễ hiểu, dễ thuộc” và “dễ phổ biến ra nhiều vùng”. Ông rất tự hào về cha ông, một trong những người đã hết mình đóng góp tâm lực, tài lực cho cách mạng.

Ông nâng niu lưu giữ Bảng Danh Dự do ông Võ Chương Hiến, Trưởng ban Cứu tế địa phương Mục (Mukdahan) - và là em chú bác ruột của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ký tặng cha ông, tức ông Nguyễn Hoằng do đã “ủng hộ nhiều nhất toàn địa phương Mục trong dịp đấu giá hai Ngôi Sao Vàng của Ban Cứu tế trung ương năm 1948”.

Khi ấy ông Hoằng 36 tuổi, nay thượng thọ 94. Hôm chúng tôi đến thăm, trời nóng quá, ông mệt, nên chỉ chụp tấm hình lưu niệm. Ông Thavorn Nguyen Van hiện là giám đốc Thai - Viet Tour, vẫn thường đưa du khách Thái sang thăm Huế, Hội An, Đà Nẵng. “Nay tình hình đã khác. Quan hệ Thái - Việt ngày càng phát triển. Nhiều bà con người Việt ở Thái trở thành cầu nối giữa hai nước, hai nền văn hóa”. Ông Thavorn nói và tiết lộ đang cùng bà con xây dựng thư viện và mở lớp dạy tiếng Việt ở chùa Diệu Giác do người lập nên.

Anh Phạm Văn Hòa, chủ tiệm điện máy đồ sộ ở chợ Đông Dương bên bờ Mê Kông khá xúc động khi nói hai từ Việt Nam. Mở truyền hình chảo, kênh VTV, anh nói to giữa tiệm: “Không có Bác Hồ, chúng tôi không có được ngày nay”. Anh đưa chúng tôi lên gác, khoe tấm ảnh Bác Hồ mà anh nâng niu, thờ phụng lâu nay. Anh tự hào là người gốc Việt và cũng tự hào về 2 con đang theo học đại học ở Philippines và Đài Loan.

Cha mẹ anh quê Quảng Ngãi và Quảng Bình. Người cha từng là nhạc công trompet, tham gia đoàn xiếc ủng hộ Việt Minh trên đất Thái. Nay đã 87 tuổi, ông vẫn vô địch giải chạy bộ 7km phối hợp 20km xe đạp, Cúp châu Á 2007 tại Mukdahan. Vợ ông cũng từng tham gia chạy bộ. Tính tổng cộng hai ông bà đã tham gia 230 cuộc marathon và luôn đoạt giải.

Trò chuyện với chúng tôi, cha anh Hòa nhắc lại thời tuổi trẻ lang thang theo gánh xiếc Mai Thành Cát từ Việt Nam sang Vân Nam (Trung Quốc) rồi Bangkok (Thái Lan) cách nay đã mấy chục năm. Cuối cùng định cư ở Thái Lan, gánh xiếc gặp người của Việt Minh, tổ chức học tiếng Thái, diễn bằng tiếng Thái, gom góp từng đồng bath bán vé “góp phần cho cách mạng”.

2. “Diệu Giác là ngôi chùa của người Việt sống tại Mukdahan, một tỉnh đông bắc Thái, giáp giới Savanakhet, Lào. Ở đây có 5 ngôi làng người gốc Việt khá lớn, di cư đến Thái Lan từ những năm chiến tranh kháng Pháp. Bà con ở đây đa số đều tích cực ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù họ chẳng giàu có gì”.

Anh Nguyễn Ngọc Bình, đang theo học tiến sĩ ngành ngôn ngữ học Đại học Mahidol- Salaya, nói với tôi. Qua anh, chúng tôi được biết Soonthorn Khaosabai, từng học tiếng Việt 1 năm ở Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, từng làm phiên dịch cho chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan tại SEAGames 22 diễn ra ở Việt Nam.

Mới đây, nhân chuyến công tác ngắn ngày tại Hà Nội, Soonthorn cho biết, một lần về Mukdahan thăm ông bà ngoại, anh được tin chùa Diệu Giác của cộng đồng người Việt tại đây vừa được mở rộng, bên trong có một phòng thư viện để mọi người có nơi lui tới trao đổi, học tập, trau giồi ngôn ngữ Việt.

Thế nhưng, phòng ốc đã có nhưng sách báo tiếng Việt chẳng biết kiếm đâu ra ngoại trừ một số ít tư liệu cũ của vài cá nhân đóng góp. Soonthorn Khaosabai mang điều này trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Bình, vốn là thầy cũ khi anh theo học tại Hà Nội. Hai thầy trò lên kế hoạch và đến nay đã có một số sách quyên góp từ cộng đồng sinh viên VN tại Học viện Công nghệ AIT và tại Đại học Mahidol được chuyển đến tận nơi. Anh em cũng không quên tặng thư viện những tấm ảnh chân dung Bác Hồ mà một thời nhiều Việt kiều Thái như ông Nguyễn Hoằng, anh Phạm Văn Hòa đã bí mật lập bàn thờ.

Nhiều bạn trẻ đã rất bất ngờ khi được biết có một thời Bác Hồ là nhà cách mạng mang tên Thầu Chín từng hoạt động ở Nakon Phanom, về sau chia tách một phần thành tỉnh Mukdahan và là vùng đất họ đang sinh sống ngày nay.

3. Soonthorn Khaosabai tha thiết: “Nguồn cội luôn ở trong tim, chảy trong huyết quản. Em theo ngành Việt Nam học cũng vì điều ấy”. Soonthorn Khaosabai, tên Việt là Đào Xuân Thái, có ông bà ngoại là người Quảng Bình, tản cư sang Lào rồi sang Thái nhưng do anh lớn lên và trưởng thành ở Bangkok nên “không rõ lắm về ông bà”.

Là một trí thức, anh thú nhận gần đây khi quan hệ hai nước ngày càng phát triển, mới thật sự quan tâm nguồn gốc Việt của mình. Việc anh đứng ra cùng thầy Nguyễn Ngọc Bình và cộng đồng sinh viên VN tại Thái quyên góp sách vở tiếng Việt cũng không ngoài ý nghĩa trở về với nửa dòng máu Việt trong anh.

Theo anh, đề án thư viện tiếng Việt trong chùa Diệu Giác đầy ý nghĩa và rất cần thiết. “Chính những người trẻ gốc Việt này, chứ không ai khác, sẽ là chiếc cầu nối với quê nhà như đường 9 đã nối liền hành lang kinh tế Đông Tây”, Soonthorn Khaosabai khẳng định.

Nhân 19.5 năm nay, nhiều Việt kiều ở Thái e-mail cho tôi biết, ở Nakhon Phanom, Mukdahan nhiều bà con người Việt đến nhà lưu niệm ở Nakhon Phanom và thư viện chùa Diệu Giác ở Mukdahan tìm hiểu về đời hoạt động của Bác và trong nhiều ngôi nhà người Việt, khói nhang thơm lừng trước di ảnh của Người.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.