Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nỗi buồn của một nhà văn xa xứ

13/01/2007 23:33 GMT+7

Khoảng mười năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Văn Thọ trở lại với văn đàn trong nước, mang theo Vườn Maria, Vàng xưa, Thất huyền cầm... những truyện ngắn mang nặng kiếp nhân sinh, được soi rọi từ những nhân vật có tâm thế của người luôn trăn trở giữa hai thế giới khác, hai miền đất khác.

Ngoài đời, nhà văn ấy mang vẻ bề ngoài phong trần, có phần ngạo ngược, nhưng thực ra lại dễ tin, dễ vỡ. Kiếm sống trên đất Đức, mỗi năm dành dụm được một quãng thời gian ngắn để trở lại quê nhà, Nguyễn Văn Thọ vẫn miệt mài cày ải trên cánh đồng chữ của mình. Dẫu mặn và chát...

* Đã có nhiều nhà văn trên thế giới viết về cái mặc cảm tha hương. Ở nơi đây hay ở nơi kia là quê nhà ? Và vấn đề tha hương cũng rất khác nhau giữa các thế hệ...

- Có thể nói cảm giác này chia ra làm hai thế hệ. Thế hệ đã được sống ở Việt Nam, đã sống ở một mảnh đất nào cụ thể, như tôi ở Hà Nội chẳng hạn. Khi rời bỏ quê hương, tôi phải va chạm với một nền văn hóa khác, phong tục tập quán khác và chuyện hòa đồng cực kỳ khó khăn. Khi người ta rơi vào một mảnh đất vật chất rất đầy đủ nhưng tất cả những gì thuộc về giá trị tinh thần trở thành xa lạ, thì đấy là một mất mát rất lớn và không gì bù đắp được. Ví dụ như cái Tết chẳng hạn. Phải nói rằng đa số người Việt khi tha hương nhớ Tết đến cồn cào, trong hoàn cảnh một đất nước người ta không biết "Tết Nguyên đán" là gì cả. Nói Tết là nói cụ thể mà suy rộng ra, đấy là văn hóa, là phong tục. Vì vậy mà những người xa xứ có thể tự bù đắp bằng vật chất, nhưng về đời sống tinh thần họ có những thiệt thòi rất lớn.

Khi tha hương, những tình cảm, những văn hóa xưa thấm đẫm vào con người từng trải qua cuộc sống ở một miền đất quá quen thuộc rồi, giờ buộc phải thay đổi để thích nghi với một miền đất lạ, điều đấy gây ra một sự hụt hẫng rất lớn. Ngược lại nhìn về thế hệ Việt thứ hai, như con tôi chẳng hạn, rất khó có nỗi buồn ấy, nhưng mặt khác nó cũng có những nỗi buồn khác: đó là khi trở về đất nước, thì người ta không công nhận nó là người Việt (nếu tiếng Việt không sõi và có một lối giao tiếp khác), lúc ở Đức người ta lại không công nhận nó là người Đức, bởi đầu nó đen và da nó vàng. Những người lớn phải làm gì để xua đuổi nỗi buồn đó ? Điều đó, chúng ta phải suy nghĩ.

* Đã có những nhận xét rằng, nhiều nhà văn Việt Nam ở hải ngoại vẫn viết theo phong cách văn chương tiếng Việt cũ, không đổi mới, tiếng Việt không sinh sôi -  nói như một nhà văn hải ngoại thì là "mang cái xác của tiếng Việt đi". Ông nghĩ như thế nào về nhận xét này với dòng chảy văn học Việt viết bằng tiếng Việt ở hải ngoại hiện nay ?

- Có hai dòng đương chảy ở hải ngoại: một số nhà văn theo chương trình di dân ở miền Nam - họ vẫn tiếp tục sáng tác, như Nguyễn Mộng Giác chẳng hạn. Ông vẫn có những tác phẩm xuất bản trong và ngoài nước. Không thể nói Nguyễn Mộng Giác lạc hậu với ngôn ngữ Việt được. Vì nhiều sáng tác của ông được công chúng trong nước đọc và thấy không mòn cũ. Nguyễn Mộng Giác không lạc hậu với trào lưu chung của tiểu thuyết đương đại Việt Nam ! 

Một bộ phận không nhỏ là những người rời đất nước khi còn quá trẻ, ít bị sức ỳ. Họ được tiếp nhận ngay nền văn hóa của nước sở tại, nói chung là tiếp nhận trào lưu văn hóa hiện đại của thế giới. Họ viết rất mạnh dạn. Viết bằng tiếng Việt. Tác phẩm của họ về hình thức biểu hiện xu hướng cách tân rõ rệt. Nhưng do quãng cách về không gian, thời gian, nhiều nhà văn, trong số này, không nắm được tình hình, thân phận của đất nước. Hầu như đề tài tập trung vào vấn đề bản năng, tình dục, quan hệ ở nơi xa lạ... nên cũng khó có thể thích hợp với đa số bạn đọc trong nước. Ở họ, bộc lộ nhược điểm là câu văn không quen thuộc với cấu trúc câu, lối nói dân gian mỗi ngày một biến động trong nước. Có nhiều câu văn gần như là ngoại lai. Tôi quan niệm những trường hợp ấy là những trường hợp giao lưu văn hóa. Cũng phải chấp nhận một dòng văn học như thế.

* Là người trong cuộc, ông nhận thấy văn học Việt Nam nói chung và những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại nói riêng được độc giả nước ngoài nhìn nhận như thế nào ?

- Nói từ Đức nhé! Ở Đức có Quỹ phát triển văn hóa cho các sắc tộc. Mỗi một thành phố, một bang đều có một hội tương tự như Hội nhà văn Việt Nam, và họ rất chú ý tới những người cầm bút sắc tộc khác. Bản thân tôi cũng tham gia giới thiệu truyện ngắn, đọc thơ với các hội ấy bảy, tám lần. Nhưng về bản chất, hội ấy chỉ thu hút được độc giả Đức trong diện hẹp, rất hẹp ! Còn những người Việt làm văn chương tại Đức có được thế giới chú ý không thì... không ! Đấy là một điều chua chát. Bởi vì tất cả những người cầm bút ở Đức chúng tôi đều không viết bằng tiếng Đức mà viết bằng tiếng Việt. Không phải chỉ có tác phẩm mà cần tác phẩm phải viết bằng cả ngôn ngữ sở tại nữa chứ! Cao Hành Kiện chẳng hạn, ông đã viết thẳng bằng tiếng Pháp.

Tôi có lần chia sẻ với một số nhà văn Việt Nam rằng: văn học Việt Nam, thế giới người ta không chú ý đến đâu. Người ta tò mò tìm hiểu thôi. Sách của anh Nguyễn Huy Thiệp cứ hô vang lên 2.000 - 3.000 bản mỗi lần xuất bản thì ăn thua gì. Vì bản thân người Đức, với khối lượng thông tin như hiện nay, chỉ quan tâm đến dòng văn học chính ở Đức và thế giới, người ta đã đủ mệt rồi... Giả dụ bây giờ chúng ta có một ông Cao Hành Kiện chẳng hạn, được thế giới công nhận, thì chắc chắn người Đức sẽ đọc chúng ta. Cứ tầm tầm như hiện nay, thì chúng ta phải nỗ lực nhiều mới có thể tiếp cận được với thế giới.

Thứ hai, thực ra lực lượng văn học mạnh nhất và có tiếng nói vừa chất vừa lượng vẫn ở trong nước nhiều hơn. Cá nhân tôi nghĩ như vậy. Ở hải ngoại cũng là một dòng, vì có những cái chúng tôi làm được mà trong nước không làm được. Nhưng nói chung, văn học trong nước vẫn là lực lượng mạnh. Về truyện ngắn, tôi có thể dám chắc nhiều truyện ngắn trong nước không kém gì truyện ngắn nước ngoài. Mà khi đã đánh giá "trong nước mạnh" thì chúng ta làm rất kém việc tiếp cận với thế giới bên ngoài. Hiện nay chúng ta vẫn chưa ý thức lắm trong việc quảng bá văn học, vẫn cho rằng văn chương là cái gì cao quý "hữu xạ tự nhiên hương". Không ! Văn chương phải là một thứ hàng hóa cao cấp mà Nhà nước, Hội nhà văn Việt Nam, rồi các hội đoàn khác nên quảng bá nó ra theo rất nhiều con đường. Bây giờ chúng ta chưa có một mạng văn học của Hội nhà văn Việt Nam, bằng tiếng Anh nữa là cả chuyện xa vời ! Cả một Hội nhà văn mạnh như thế, Nhà nước đầu tư như thế, mà vẫn ì ạch trên đường hội nhập. Tại sao chúng ta không quan tâm đến việc đưa văn học ra nước ngoài bằng con đường ngắn nhất là internet ? Để nói với thế giới rằng dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hóa, chúng tôi có một nền văn học xứng đáng được các bạn quan tâm ?

Phi Hà (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.