Báo cáo mới của 2 nhà nghiên cứu Sam Parker và Gabrielle Chefitz thuộc Đại học Harvard chỉ đích danh 16 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi là đối tượng nằm trong chính sách ngoại giao “sổ nợ” của Trung Quốc. Trong đó, Pakistan, Djibouti và Sri Lanka bị cho là có nguy cơ vỡ nợ cao nhất, theo CNN. Báo cáo nhận định Trung Quốc lợi dụng những quốc gia không thể trả khoản nợ khổng lồ để “thâu tóm tài sản chiến lược hoặc gây sức ép chính trị” nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cô lập các đồng minh của Mỹ và củng cố vị thế ở Biển Đông.
|
Bên cạnh đó, chính phủ Sri Lanka hồi năm 2017 phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm để trả nợ. Cơ sở này được xây bằng vốn vay 1 tỉ USD từ chính chủ nợ. “Ban đầu, tàu chiến Trung Quốc chỉ đến thăm Hambantota, nhưng dần dần sẽ tạo tiền lệ rồi có thể dẫn đến thiết lập quân cảng”, CNN dẫn lời chuyên gia Parker dự đoán. Tình hình cũng tương tự tại Đông Nam Á khi Trung Quốc mở rộng “sổ nợ” tại khu vực nhằm tạo ảnh hưởng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là hạn chế các tiếng nói phản đối hành vi quân sự hóa Biển Đông, theo nhà nghiên cứu Chefitz. Báo cáo dẫn lời cựu Ngoại trưởng Úc Gareth Evans ước tính đến nay một số thành viên ASEAN đã nhận hơn 5 tỉ USD của Bắc Kinh. Hiện một số nước khác trong khu vực bắt đầu tỏ ra cảnh giác hơn trước những khoản vay và đề xuất hợp tác hào phóng từ Trung Quốc. Sau khi nhậm chức hồi đầu tháng 5, tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nhắc lại bài học “mất đất” của Sri Lanka và tuyên bố sẽ xem xét lại, tái đàm phán hoặc hủy bỏ những thỏa thuận hợp tác phát triển hạ tầng với Trung Quốc được duyệt từ thời người tiền nhiệm Najib Razak. Tờ Financial Times còn dẫn lời một chủ ngân hàng giấu tên tại Kuala Lumpur bình luận: “Người Malaysia không muốn đi tới kết cục phải giao nộp tài sản quốc gia cho Trung Quốc vì không thể trả nợ”.
Theo dự kiến, báo cáo của Đại học Harvard sẽ được trình lên Bộ Ngoại giao Mỹ để thảo luận. Trước đó, cơ quan này từng kêu gọi Trung Quốc “phải đảm bảo các nước vay tiền có thể giữ vững chủ quyền và tự kiểm soát nền kinh tế”.
Bình luận (0)