Nhà báo của thế kỷ được giải oan

05/05/2012 16:03 GMT+7

(TNO) Một phóng viên chiến trường Mỹ từng bị sa thải vì loan báo tin tức nước Đức đầu hàng trong Thế chiến thứ hai ở châu u, đã được xin lỗi hôm 4.5, sau 67 năm.

(TNO) Một phóng viên chiến trường Mỹ từng bị sa thải vì loan báo tin tức nước Đức đầu hàng trong Thế chiến thứ hai ở châu u, đã được xin lỗi hôm 4.5, sau 67 năm.

Hãng AP đã ngỏ lời xin lỗi phóng viên Edward Kennedy, người chống đối các nhà kiểm duyệt của quân đội để gửi một bản tin vào ngày 7.5.1945, loan báo việc nước Đức đầu hàng.

Đây có lẽ là tin tức của thế kỷ song nó đã khiến Kennedy bị sa thải và bị quân đội Mỹ trục xuất.

Lời xin lỗi muộn màng

Nhà báo của thế kỷ được giải oan
 Tướng Đức Alfred Jodl ký văn kiện đầu hàng tại Reims - Ảnh: AFP

Chủ tịch và là giám đốc điều hành của hãng AP, Tom Curley, đã ngỏ lời xin lỗi trong hôm 4.5: “Đó là một ngày khủng khiếp với AP. Nó đã được xử lý theo cách tồi tệ nhất có thể”.

Kennedy là một trong số 17 phóng viên được dẫn đến tham dự buổi lễ ở thành phố Reims (thuộc nước Pháp) vào rạng sáng ngày 7.5, nơi quân Đức ký văn kiện đầu hàng.

Tuy nhiên, tất cả phải cam kết giữ bí mật tin tức bởi Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Harry Truman đã đồng ý trì hoãn việc thông báo, nhằm cho phép lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin sắp xếp một buổi lễ đầu hàng thứ hai tại Berlin.

Ban đầu, các phóng viên được thông báo rằng tin tức sẽ được giữ lại trong ít giờ, song sau đó thời gian được kéo dài lên 36 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày hôm sau.

Ông Curley nói Kennedy đã làm điều đúng đắn vì bác bỏ quan điểm cho rằng AP giữ lại câu chuyện một khi biết rõ rằng nó xuất phát từ lý do chính trị, thay vì mục đích bảo vệ các binh sĩ.

“Một khi cuộc chiến kết thúc, bạn không thể giữ lại thông tin như thế. Thế giới cần phải biết”, ông Curley nói.

Curley cũng viết lời giới thiệu cho cuốn hồi ký mới xuất bản của ông Kennedy có tựa Ed Kennedy's War: V-E Day, Censorship & The Associated Press (tạm dịch: Cuộc chiến của Ed Kennedy: Ngày chiến thắng ở châu u, kiểm duyệt và hãng Associated Press).

Kennedy đã qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1963 song con gái ông, Julia Kennedy Cochran, cho biết bà quá đỗi vui mừng trước lời xin lỗi: “Tôi nghĩ nó có ý nghĩa lớn lao đối với ông ấy”.

Bất tuân thượng lệnh

Nước Đức vốn ký văn kiện đầu hàng vào lúc 2 giờ 41 phút ngày 7.5.1945 (giờ nước Pháp). Theo AP, ban đầu Kennedy đã giữ im lặng về tin tức theo đúng cam kết. Song vào lúc 14 giờ 03 phút chiều, tin tức nước Đức đầu hàng được các quan chức Đức thông báo trên sóng radio từ Flensburg, một thành phố lọt vào tay quân Đồng minh.

Trong tâm trạng tức giận, Kennedy đã đến gặp trưởng nhóm kiểm duyệt người Mỹ và nói rằng ông không thể giữ lại tin tức được nữa. Kennedy tố giác quân đội đã không giữ lời bằng cách cho phép người Đức thông báo tin tức đầu hàng.

Không được trưởng nhóm kiểm duyệt đếm xỉa, Kennedy đã suy nghĩ trong 15 phút và quyết định hành động.

Ông sử dụng một chiếc điện thoại quân sự không bị theo dõi để phát đi bản tin về văn phòng của AP ở London. Đặc biệt, Kennedy không báo với các biên tập viên về lệnh cấm và hãng AP đã phát đi bản tin chỉ sau vài phút.

Đối với một số đồng nghiệp lúc đó, hành động của Kennedy là một sự phản bội lớn lao. Cơn giận dữ như được nhân lên khi các nhà kiểm duyệt quân sự tiếp tục từ chối cho phép bất kỳ tổ chức truyền thông nào phát đi câu chuyện, nghĩa là AP có được tin tức độc quyền trong nguyên một ngày.

Tuy nhiên, sự trả đũa đã xảy đến nhanh chóng. Quân đội đã không cho phép hãng AP tường thuật bất kỳ tin tức nào tại chiến trường châu u nữa. Đến khi lệnh cấm được dỡ bỏ, hơn 50 phóng viên chiến trường đã ký kháng thư đề nghị tiếp tục áp dụng lệnh cấm vận đối với hãng AP. Quân đội cũng trục xuất Kennedy khỏi nước Pháp.

Kennedy cũng bị chủ tịch hãng AP, lúc đó là Robert McLean, lên án. “Hãng AP vô cùng hối tiếc vì đã phát đi bản tin về việc đầu hàng của Đức ở châu u hôm thứ hai, mà cuộc điều tra tiết lộ rõ ràng rằng nó được phát đi trước khi có sự cho phép của Bộ chỉ huy tối cao lực lượng viễn chinh Đồng minh”, ông McLean nói trong một thông báo hôm 10.5 năm đó.

Tuy nhiên, Kennedy cũng được một số đồng nghiệp bảo vệ. Wes Gallagher, phóng viên của AP đến thay thế Kennedy tại châu u và trở thành tổng giám đốc vào năm 1962, đã ủng hộ người đồng nghiệp và tin rằng ông đã làm điều đúng đắn.

Khi đến thay thế Kennedy tại Paris, Gallagher đã nói với Tổng tư lệnh tối cao của quân Đồng minh Dwight D. Eisenhower, rằng: “Nếu tôi là Kennedy, tôi cũng làm thế ngoại trừ việc tôi sẽ điện thoại cho ông trước”.

Sau khi bị AP sa thải, Kennedy đã nhận công việc biên tập cho tờ Santa Barbara News-Press ở California (Mỹ) và sau đó làm chủ bút tờ Monterey Peninsula Herald. Ông qua đời ở tuổi 58 vì bị một chiếc ô tô tông phải.

Gia đình Kennedy đã giữ lại bản thảo hồi ký của ông trong hàng thập kỷ trước khi người con gái Cochran bắt đầu tìm kiếm một nhà xuất bản.

Giám đốc điều hành của AP Curley nói việc xuất bản hồi ký của Kennedy đã dẫn đến lời xin lỗi muộn màng này.

Ông gọi việc sa thải Kennedy là một “bi kịch lớn lao” và ca ngợi Kennedy cùng những biên tập viên phát đi tin tức đầu hàng vì đã bảo vệ những nguyên tắc cao quý nhất của báo chí. “Họ đã làm điều đúng đắn. Họ đã đương đầu với cường quyền”, Curley nói.

Sơn Duân

>> Hitler bị chứng hoang tưởng và động kinh
>> Bí ẩn bức ảnh “Nụ hôn ở quảng trường Thời Đại” được giải mã?
>> Tàu sân bay huyền thoại của Mỹ ra khơi lần cuối
>> Nga kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.