Vào ngày 29.5, cảnh tượng phóng viên CNN Omar Jimenez cùng nhóm đồng nghiệp bị cảnh sát bắt đã được phát trực tiếp trên truyền hình trong lúc họ đưa tin về một cuộc biểu tình theo sau cái chết của ông George Floyd (46 tuổi) ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Cùng ngày, phóng viên Đài Fox News Leland Vittert và nhóm cộng sự bị người biểu tình tấn công gần Nhà Trắng.
|
Đến ngày 30.5, khi cảnh sát và những người biểu tình đụng độ ở nhiều nơi trên đất nước Mỹ, tiếng hét của phóng viên Kaitlin Rust của Đài WAVE News ở thành phố Louisville (bang Kentucky) vang lên trên sóng tường thuật trực tiếp: “Tôi đang bị bắn”, trong khi hình ảnh cho thấy một cảnh sát chĩa súng bắn đạn hơi cay về phía cô.
Trong 3 ngày qua, những tổ chức theo dõi tình trạng bạo lực đối với báo chí đã ghi nhận hơn 24 tình huống, tương tự, trong đó có trường hợp phóng viên Reuters Julio-Cesar Chavez bị tấn công và bị thương do trúng đạn cao su.
Thống đốc Minnesota Tim Walz đã lên tiếng xin lỗi về vụ bắt giữ phóng viên CNN và cảnh sát Louisville cũng đã xin lỗi nếu bà Rust bị nhắm tới vì là phóng viên. Hiện chưa có hành động nào được đưa ra nhằm trừng phạt những cảnh sát liên quan, theo Reuters.
Giới chuyên gia về truyền thông cho hay từ Los Angeles, Minneapolis đến New York, tình trạng tấn công nhắm vào báo chí tại các cuộc tuần hình chính trị gia tăng trong nhiều năm qua khi niềm tin vào báo chí tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập niên.
|
“Nhiều cuộc tấn công từ giới công lực nhắm vào các nhà báo đưa tin về cuộc biểu tình ở khắp nước trong 2 đêm qua đáng bị chỉ trích và rõ ràng vi phạm Tu chính án thứ nhất”, ông Bruce Brown, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban Phóng viên vì Tự do báo chí, nhấn mạnh ngày 30.5.
Bình luận (0)