Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines được tiến hành trong gần 8 tuần qua không chỉ khiến số vụ giết người tăng lên mức bị cho là chưa có tiền lệ (gần 2.000 người, trong đó có cả một bé gái 5 tuổi) mà còn đẩy số lượng tù nhân tăng vọt. Tình trạng này khiến nhiều nhà tù ở Philippines lâm vào cảnh quá tải.
Trong đó, nhà tù duy nhất của Quezon City, thành phố đông dân nhất thuộc vùng đô thị Manila hiện là cơ sở giam giữ đông tù nhân nhất tại Philippines, với trên 4.000 người. Cai ngục Randel Latoza cho hay kể từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines ngày 30.6, nhà tù Quezon City nhận 30 - 40 tù nhân/ngày, tăng 6,7% so với trước, theo tờ The Straits Times.
“Địa ngục trần gian”
Nhà tù Quezon City được xây dựng vào năm 1953, với thiết kế chứa chỉ 800 người, theo tiêu chuẩn của Cục Quản lý nhà tù Philippines. Tuy nhiên, con số thực tế cao đến mức khiến mọi người phải kinh ngạc. Tính đến đầu năm nay có tới gần 3.600 người bị giam trong nhà tù. Và chỉ trong vòng 7 tuần sau khi ông Duterte nhậm chức, con số này tăng vọt lên 4.053, với gần 60% là tội phạm ma túy, trong khi tổng diện tích sàn của nhà tù chỉ 2.787 m2, theo CNN. Trung bình mỗi tù nhân chỉ được 0,67 m2. Trong đó có một phòng giam được thiết kế cho 20 tù nhân, nhưng thực tế giam tới 160 - 200 người, theo tờ Daily Mail.
Do đó vào ban đêm, khoảng 1.000 tù nhân phải nằm ngủ trên sân bóng rổ, lấy bao bố thay chiếu, trong khi hàng ngàn người còn lại tìm bất cứ nơi nào có thể ngủ được, từ cầu thang, dưới giường đến võng được làm từ chăn cũ. Khi trời mưa làm ướt sân thì hầu hết phải ngủ ngồi, theo The Straits Times.
“Khó tìm được chỗ ngủ, đặc biệt khi trời mưa”, Alex Beltran (29 tuổi) bị giam tại nhà tù Quezon City khoảng một tháng qua cho CNN hay. Beltran cho biết thêm thức ăn ở nhà tù “rất khủng khiếp” nhưng không cung cấp chi tiết.
|
Trong khi đó, ông Raymund Narag, người từng bị giam 7 năm tại nhà tù Quezon City vì bị kết án oan về tội giết người trước khi được thả vào năm 2002, kể lại rằng khẩu phần ăn rất ít nên các tù nhân thường phải chịu đói hoặc lấy cắp thức ăn của tù nhân khác. Nhân vật hiện nghiên cứu lĩnh vực công lý tội phạm tại Mỹ mô tả khẩu phần ăn được phục vụ thất thường vào ban ngày và ban đêm như là “cho heo ăn”, theo Daily Mail. Ông Narag khẳng định rằng chính tình trạng dơ bẩn, thiếu thức ăn, nắng nóng nhưng không có hệ thống thông gió, trộn lẫn những tù nhân khỏe mạnh với người mang bệnh đã khiến vô số tù nhân mắc nhiều bệnh hoặc bị nổi mụn nhọt và mề đay.
“Mỗi tháng trong nhà tù Quezon City có từ 2 - 5 tù nhân chết vì bệnh”, ông Narag viết trong cuốn sách Freedom and death inside the jail (tạm dịch: Tự do và cái chết trong nhà tù) và chia sẻ: “Trong gần 7 năm, tôi trải qua cái chết trong mỗi giây phút tỉnh thức của cuộc đời tại nhà tù đó”.
|
Vào những tháng mùa khô, nhà tù trở thành lò nướng và cúp điện có thể khiến tù nhân thiệt mạng. Hồi đầu tháng này, 3 tù nhân đã chết do say nắng sau khi tình trạng mất điện khiến một số quạt máy ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, đối với một số tù nhân mới như Romeo Payhoi (38 tuổi), tình trạng khắc nghiệt như thế không đáng sợ bằng cuộc trấn áp tội phạm ma túy của chính phủ. Payhoi chia sẻ với CNN rằng anh ta cảm thấy “ở đây an toàn hơn trên phố”, nơi “cảnh sát có thể giết bạn”.
Chờ đợi bất tận
Tình trạng quá tải cũng gây ảnh hưởng lớn tới những người thân của tù nhân. Theo CNN, vào sáng sớm đã có khoảng 700 người ngồi chờ một cách kiên nhẫn bên ngoài nhà tù Quezon City để mong được vào thăm anh em, chồng hoặc con trai của họ. Họ phải chờ hàng giờ đồng hồ mới có thể được vào bên trong nhà tù. Trong nhà tù không có phòng thăm nên những người thăm được đóng dấu mực để phân biệt họ là người tự do, sau đó tự tìm người thân trong đám đông tù nhân, theo CNN. Nhiều tù nhân có thể về thăm nhà nhưng không đủ khả năng nộp tiền tại ngoại, có thể chỉ ở mức 4.000 - 6.000 peso (1,9 - 2,8 triệu đồng), theo trưởng ban phụ trách các hoạt động nhà tù Joey Doguiles.
Một tình trạng khác có thể khiến nhà tù Quezon City ngày càng trở nên quá tải là nhiều người bị giam mãi mà không ra tòa. CNN chỉ ra chồng của bà Ameena-Tara Jance đã bị giam khoảng 6 năm và mới vừa trải qua cơn đột quỵ nhẹ, nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử. Dự kiến vào tháng 10 tới, chồng của bà Ameena-Tara Jance sẽ ra tòa, nhưng họ vẫn cảm nhận sẽ không có gì thay đổi. “Không có công lý”, bà Ameena-Tara Jance khẳng định với CNN.
Còn tù nhân Ramon Go, hiện chịu trách nhiệm giám sát khoảng 900 bạn tù khác, chỉ được đưa ra tòa sau khi ngồi tù gần 15 năm. Ramon Go bị xét xử cách đây 2 năm rưỡi nhưng cho đến nay vẫn còn mắc kẹt trong các bức tường của nhà tù Quezon City chờ ngày có phán quyết.
“Với hàng ngàn người bị bắt từ tháng 6 trong cuộc chiến chống ma túy, dân số nhà tù tiếp tục tăng lên. Đó là sự chờ đợi bất tận, được góp phần bởi tình trạng tù nhân không thể biết khi nào họ có được tự do trở lại”, phóng viên CNN viết.
Bình luận (0)