Kể từ những năm 1990, hợp tác phát triển trên diện rộng giữa các nước lưu vực sông Mê Kông được tiến hành ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những khung hợp tác hình thành theo sáng kiến của ASEAN, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc có phần trùng lặp. Không những thế, phạm vi “Mê Kông” trong các khung hợp tác này cũng không được định nghĩa thống nhất. Trong khi tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) hình thành với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bao gồm 6 nước VN, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc thì từ năm 2000 trở lại đây xuất hiện nhiều mô hình hợp tác giữa một đối tác ngoài lưu vực với 5 nước GMS trừ Trung Quốc. Đặc trưng phát triển trên diện rộng ở đây chính là việc các bên liên quan tham gia và hợp tác trong sự không rõ ràng về phạm vi “Mê Kông”.
Nhật Bản đã tiến hành viện trợ cho các nước Mê Kông thông qua khuôn khổ đa phương như GMS nhưng từ sau khi công bố chính sách “Định hướng mới trong phát triển khu vực Mê Kông” vào tháng 12.2003, nước này bắt đầu triển khai hợp tác song phương với từng bên. Thời gian đầu chủ yếu là với Campuchia, Lào và VN. Từ năm 2007, đối tượng hợp tác cũng như viện trợ có thêm Myanmar và Thái Lan, qua đó tạo nền tảng ra đời Hội nghị Bộ trưởng cấp cao Mê Kông - Nhật Bản, trong đó phía “Mê Kông” không bao gồm Trung Quốc.
tin liên quan
ASEAN và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình DươngCó ý kiến cho rằng mô hình hợp tác này xuất phát từ nhu cầu cạnh tranh ảnh hưởng của Nhật Bản và là công cụ để tập hợp lực lượng cô lập Trung Quốc. Trên thực tế, từ sau “Kế hoạch hành động Mê Kông - Nhật Bản nhằm thực hiện chiến lược Tokyo” năm 2012, bất kỳ văn bản nào thể hiện phương châm hành động của khuôn khổ hợp tác này cũng đều đề cập vấn đề tự do hàng hải dựa trên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Đây rõ ràng là nhằm thể hiện quan ngại về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này là nhằm đóng góp chung vào hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực chứ không phải nhắm tới vai trò của Trung Quốc.
Kể từ “Định hướng mới trong phát triển khu vực Mê Kông” năm 2003, các nhà lãnh đạo GMS (trừ Trung Quốc) và Nhật Bản lần lượt ra tuyên bố xác nhận ý nghĩa và phương hướng hợp tác vào các năm 2009, 2012 và 2015. Khuôn khổ hợp tác nhấn mạnh vào các trụ cột như viện trợ đa phương và song phương, phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, năng lượng; thúc đẩy liên kết khu vực; đẩy mạnh công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, đưa khu vực Mê Kông vào mạng lưới sản xuất của Đông Á; xây dựng cộng đồng bền vững trước thiên tai và biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, định hướng “các nước Mê Kông củng cố sâu sắc tính thống nhất trong khu vực, hoàn thiện phát triển kinh tế dẫn đến sự ổn định chính trị và thịnh vượng lâu dài toàn châu Á” bao hàm triết lý ngoại giao Đông Nam Á của Nhật Bản.
Có thể khẳng định mô hình Nhật Bản - Mê Kông không phải là công cụ chính trị, ngoại giao để cạnh tranh với Trung Quốc mà là sự hợp tác mang tính chức năng nhằm hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung. Dù có đề cập các vấn đề trên phương diện chính trị, an ninh phản ánh những diễn biến trong tình hình khu vực nhưng tính chất cơ bản của sự hợp tác này sẽ không thay đổi trong tương lai. Để giải quyết mục tiêu ổn định và phát triển thịnh vượng, yêu cầu đặt ra cho Nhật Bản vẫn là vừa củng cố sâu sắc mối liên kết, vừa tiếp tục viện trợ đều đặn cho các nước Mê Kông.
Bình luận (0)