Nóng bỏng cuộc chiến trên Đồi Capitol

12/09/2006 09:40 GMT+7

Theo truyền thống cứ hai năm một lần, “võ sĩ” của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lại “so găng” để phân chia thắng bại trong Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ). Cuộc so tài năm nay hứa hẹn nhiều gay cấn (gần 500 ghế dân biểu chia đều cho hai phe), khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày bầu cử Quốc hội. CTV Thanhnien Online đang có mặt tại Washington D.C và gửi về những thông tin diễn biến mới nhất của cuộc bầu cử...

Ngày 4/9, nhìn từ bên ngoài, “Đồi Capitol” quang đãng hơn sau khi cơn bão “nặng ký” Ernesto chỉ lướt nhẹ qua thủ đô Washington. Đây cũng là thời điểm kết thúc kỳ nghỉ hè của các nghị sĩ Mỹ. Ngày 6/9, Quốc hội Mỹ trở lại làm việc. Theo như một số nhà phân tích thời cuộc, khi trở lại Capitol Hill, mọi Nghị sĩ đều giống như những vùng “áp thấp nhiệt đới”, do vậy, “giông bão” là điều tất yếu sẽ xảy ra bên trong Capitol Hill. Theo nghị trình, chỉ còn không đầy hai tháng nữa, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - Cuộc chiến đấu “một mất, một còn” giữa những người Cộng Hòa, lực lượng đang kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, với những người Dân chủ, lực lượng nuôi hi vọng “giành lại những gì đã mất” kể từ mùa bầu cử năm 1994 trở lại đây, sẽ bước vào giai đoạn chót.

Theo mô tả của một số nhà quan sát: môi trường chính trị tại Quốc hội Mỹ đang hết sức nóng vì các nghị sĩ chỉ còn hơn 30 ngày để “thể hiện sự thuyết phục của mình trước cử tri”. Đảng Dân chủ đang phải leo dốc để có thể giành thêm ghế với mục tiêu lấy lại cân bằng trong Thượng viện, nơi 55 ông nghị Cộng hòa đang ngồi chễm trệ trong tổng số 100 cái ghế ở nơi này. Giành thêm 6 ghế, để lật ngược thế cờ, trong bối cảnh hiện nay sẽ là điều hết sức khó khăn.

Những chiến lược gia bầu cử của Đảng Dân chủ hy vọng họ sẽ có cơ chiến thắng tại các bang Rhode Island, Pennsylvania, Ohio, Montana và Missouri. Ngoài ra, một số người lạc quan còn nghĩ tới cả khả năng Đảng Dân chủ giành chiến thắng ở Tenneessee, Arizona hay Virginia, những “vùng đất thánh” của lực lượng Cộng hòa.

Về phần mình, vài “gạo cội” trong lĩnh vực bầu cử của Đảng Cộng hòa lại tin rằng họ sẽ giành chiến thắng ở các bang Minnesota, Maryland, New Jersey và Washington. Tuy vậy, một vài chiến lược gia của Đảng Cộng hòa cũng tỏ ra quan ngại trước cuộc đua giữa ứng cử viên Cộng hòa với Dân chủ tại bang Connecticut và Pennsylvania, hay giữa Thượng nghị sĩ Dân chủ, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Rodham Clinton, với ứng cử viên Eliot Spitzer của bang New York. “Vùng khí quyển nóng” của lực lượng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm nay trải dài từ Đông Bắc xuống Trung Tây nước Mỹ.

Tại “mặt trận Hạ viện”, nơi 231 “chiến sĩ Cộng hòa” chiếm cứ trong “tổng binh lực” 435 “chiến sĩ” đang là khu vực rát bỏng với nguy cơ hàng chục “chiến sĩ Cộng hòa” bị đẩy khỏi “chiến hào”. Ông Tim Hitbbits, nhà phân tích độc lập, có thâm niên phân tích bầu cử  hàng chục năm cho rằng “nguy cơ Cộng hòa mất ghế tại Hạ viện lên tới trên 75%”. Tán đồng nhận định này, một số người Cộng hòa “thiếu nhuệ khí” cảnh báo “không có cách nào ngăn chặn lực lượng Dân chủ lấy lại thế cân bằng ở Hạ viện. 90% khả năng là lực lượng Cộng hòa không còn giữ được thế áp đảo mà họ duy trì trong suốt 12 năm nay”.

“Thế da báo” trong cuộc chiến giành giật chức của Thống đốc bang giữa Dân chủ với Cộng hòa cũng được cả hai bên quyết tâm bảo vệ và mở rộng. Những chú Voi Cộng hòa đang thống lĩnh 28 bang có khả năng dễ dàng giành chiến thắng ở Florida, Texas và thậm chí còn “nhòm ngó” cả “sào huyệt” của các chú Lừa Dân chủ là bang Pennsylnavia. Đảng Dân chủ hạ quyết tâm giành chức Thống đốc tại các “căn cứ địa” New York, Ohio và Massachusetts. Nhiều "người Dân chủ" còn hy vọng trong kỳ bầu cử này sẽ lấy thêm một vài “miếng da” để trang điểm cho tấm áo khoác 25 “màu” của mình đã mặc từ mùa bầu cử trước.

Một số nhân vật “trung tâm” của Đảng Cộng hòa cho rằng đảng của họ sẽ tiếp tục giữ thế thượng phong tại Hạ viện bởi những tích cực trong các chiến dịch vận động tranh cử ở các địa phương và những cố gắng trên phương diện quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bush, trong cuộc chiến chống khủng bố và đảo đảm an ninh nội địa - lĩnh vực mà một số người cho là những nhà lãnh đạo Cộng hòa làm tốt hơn các nhà lãnh đạo phe Dân chủ.

“Cái dạ dày và những đồng penny trong ví” là điều mà lực lượng Dân chủ hi vọng cử tri bỏ phiếu cho họ. Họ cho rằng giá xăng dầu đắt đỏ; tỷ lệ lãi suất các khoản vay tăng; tỷ lệ thất nghiệp leo thang... đang làm chỉ số lòng tin của người tiêu dùng giảm và điều này đồng nghĩa với lòng tin của cử tri cũng giảm theo. Một số nghị sĩ Dân chủ hi vọng nhiều cử tri Mỹ vẫn nhớ thời “hoàng kim kinh tế” của Tổng thống Bill Clinton nhằm tìm lại “cái ngày xưa” trong thì tương lai.

Điều lo ngại cho cả hai Đảng là một bộ phận đáng kể cử tri có tâm lý thờ ơ với bầu cử, số “mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật” không phải là ít. Do vậy kết quả cuối thuộc về ai cùng khó mà suy đoán, đặc biệt trong môi trường chính trị cực kỳ cạnh tranh như hiện nay.

Hoàng Thắng Thảo
(Viết từ Washington D.C)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.