Nông nghiệp Nhật và cơ hội cho lao động nước ngoài

Khánh An
Khánh An
08/07/2018 10:00 GMT+7

Nhật Bản đang mở cửa chính sách nhằm thu hút lao động nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp vốn đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Giới chức Nhật Bản cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già hóa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Chính phủ đang khẩn trương xúc tiến các giải pháp, bao gồm nới lỏng các rào cản về nhập cư, mang lại nhiều cơ hội mới cho người nước ngoài đến làm công hay thuê đất làm nông với thu nhập cao.
Tờ Asahi Shimbun dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho thấy số lao động trên cả nước giảm từ 3,12 triệu người vào năm 2007 xuống còn 1,81 triệu người vào năm 2017. Cũng trong năm ngoái, tuổi trung bình của nông dân Nhật đạt 66,6 tuổi sau nhiều năm tăng liên tục. Trong khi đó, nông nghiệp Nhật thu hút khoảng 24.000 lao động nước ngoài trong năm nay, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010.
Số lao động nước ngoài tại Nhật nói chung tăng liên tục trong các năm qua và đạt 1,28 triệu người trong năm ngoái, so với chỉ 486.000 người vào năm 2008. Theo Reuters, trong lĩnh vực nông nghiệp, số thực tập sinh kỹ thuật đang tăng mạnh. Cơ quan chức năng cho biết tỉnh Ibaraki là vùng sản xuất rau củ, trái cây và hoa lớn nhất ở Nhật và cũng là nơi thu hút thực tập sinh kỹ thuật người nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất. Ngoài ra, người nước ngoài gồm chủ doanh nghiệp và người có chồng/vợ mang quốc tịch Nhật đều có thể sở hữu hay thuê đất.
Giri Bishnu (36 tuổi), công dân Nepal, là một ví dụ cho việc người nước ngoài đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Nhật khi canh tác 10 ha hoa màu tại vùng Hidaka thuộc tỉnh Hokkaido. Ban đầu, ông đến Nhật vào năm 2008 để kinh doanh xe hơi đã qua sử dụng và mở nhà hàng. Ý định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến với Bishnu khi nhận thấy hệ thống 6 nhà hàng của ông sử dụng quá nhiều nông sản để chế biến các món ăn, trong khi đất nông nghiệp bị bỏ hoang khắp nơi do không có người canh tác. Tuy nhiên, chính sách hiện tại vẫn chưa đủ để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực nông nghiệp. Ông Shouji Sawaura, chủ nông trại Green Leaf ở tỉnh Gunma, cho biết ông hoàn toàn dựa vào 24 thực tập sinh VN và Thái Lan vận hành xưởng sản xuất dưa chua và bún shirataki. “Chúng ta cần cơ chế cho phép người nước ngoài làm những việc này thay vì chỉ dựa vào thực tập sinh”, ông nói.
Theo chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 4.2019, thực tập sinh có thể ở lại Nhật trong vòng 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Ngoài ra, chính phủ đang cân nhắc sửa đổi luật Kiểm soát di trú và Công nhận tị nạn nhằm cho phép nhóm đối tượng này có thể ở lại thêm 10 năm. Theo đó, thực tập sinh sau khi hoàn tất 5 năm và đạt yêu cầu sẽ có thể đăng ký trở thành “lao động có kỹ năng được chỉ định” để tiếp tục ở lại làm việc. Hơn nữa, lao động nước ngoài đáp ứng một số điều kiện có thể ở lại vô thời hạn và thậm chí có thể bảo lãnh cả gia đình sang cư trú. “Chúng ta đang rơi vào tình trạng nếu không cân nhắc lại vấn đề di trú thì tương lai nước Nhật sẽ rơi vào nguy hiểm”, Giám đốc Trung tâm giao lưu quốc tế Nhật Bản Toshihiro Menju cảnh báo.
Phát triển rô bốt hỗ trợ nông nghiệp
Theo tờ The Japan Times, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia tại Đại học công nghệ Toyohashi và một số công ty tư nhân tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) đang chế tạo rô bốt hỗ trợ nông dân trồng hoa. Rô bốt sẽ hoàn tất trong năm tới và có thể di chuyển theo những người hái hoa hồng, hoa cúc để đưa những bó hoa được cắt về điểm tập trung. Tỉnh Aichi luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng hoa với doanh thu hằng năm ước tính đạt 57,2 tỉ yen (11.920 tỉ đồng), chiếm 16% doanh thu của cả nước. Trước đó, Tập đoàn Kubota bắt đầu bán thử nghiệm máy cày tự động sử dụng dữ liệu GPS còn các hãng Yanmar và Iseki đang chế tạo thiết bị thu hoạch lúa tự động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.