Nữ tỉ phú giàu nhất châu Phi bị cáo buộc 'hút máu' ngân sách

20/01/2020 14:28 GMT+7

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố các tài liệu cho thấy “công chúa” Isabel dos Santos trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Phi nhờ vào cha là tổng thống Angola, cũng như nhờ tham nhũng và bòn rút ngân sách nhà nước.

Những đường dây gian lận tài chính tinh vi giúp bà Isabel (46 tuổi), được mệnh danh “công chúa Angola”, trở thành người phụ nữ giàu nhất Châu Phi, kiếm được khối tài sản khổng lồ, theo tài liệu mật từ đế chế kinh doanh của bà.
Isabel, con gái của cựu tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos, lâu nay bác bỏ cáo buộc cho rằng bà có được khối tài sản trị giá 2,2 tỉ USD là nhờ tham nhũng và vị thế của cha mình. Angola là quốc gia giàu dầu mỏ và Tổng thống Jose cầm quyền đất nước trong gần bốn thập niên qua.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của các nhà báo ở 20 quốc gia do ICIJ dẫn đầu cho thấy Isabel được hưởng lợi từ “những cơ hội bất thường” từ chính phủ do cha bà đứng đầu trước khi ông từ chức vào tháng 9.2017.
Nữ doanh nhân Isabel, đa phần sống ở thủ đô London (Anh), thâu tóm lợi ích khắp châu Phi và châu Âu trong nhiều lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, TV, xi măng, kim cương, rượu bia, siêu thị và bất động sản, theo ICIJ.
Trong vụ rò rỉ tài liệu mật “Luanda Leaks”, tổ chức chống tham nhũng PPLAAF ở Châu Phi ban đầu đã thu thập được 715.000 email, biểu đồ, hợp đồng, hồ sơ kiểm toán và tài khoản ngân hàng nhằm phơi bày đế chế kinh doanh của “công chúa” Isabel và chồng bà là doanh nhân Sindika Dokolo. Tổ chức này, từng làm việc với các nhân chứng quan trọng dẫn đến lật đổ Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, đã cung cấp tài liệu cho ICIJ.
Sau cuộc điều tra kéo dài 7 tháng, các nhà báo thuộc tờ The Guardian (Anh), New York Times (Mỹ), Express (Bồ Đào Nha) công bố tài liệu phơi bày những giao dịch, thỏa thuận ưu đãi bất thường, gây thất thoát hàng trăm triệu USD tiền ngân sách Angola.
Tài liệu hé lộ một mạng lưới mập mờ khoảng 400 công ty, đa số ở nước ngoài, có dính líu với vợ chồng bà Isabel cùng các cộng sự. Đáng chú ý là một đội ngũ tư vấn quản lý, kế toán và luật sư hùng hậu ở châu Âu và Mỹ cũng được nêu danh trong danh sách, đã hỗ trợ cặp vợ chồng này quản lý khối tài sạn và tiến hành các giao dịch khả nghi.
Theo tài liệu:
- Công ty dầu mỏ nhà nước Sonangol (Angola) đã bán cho ông Sindika Dokolo các cổ phần của công ty dầu khí nhà nước Bồ Đào Nha Galp, hiện trị giá 750 triệu euro. Đây là khối tài sản lớn nhất của cặp vợ chồng giàu nhất châu Phi. Ông Sindika dùng tiền vay chưa rõ nguồn gốc để mua số cổ phần với giá chỉ 11 triệu euro và lúc đó bà Isabel là người đứng đầu Sonangol.
- Tổng cộng 115 triệu USD đã được thanh toán cho các công ty tư vấn trong thời gian bà Isabel là chủ tịch Sonangol. Số tiền 11 triệu USD được chuyển qua một công ty ở Dubai do các cộng sự của bà kiểm soát.
-Một công ty Thụy Sĩ liên doanh với công ty kim cương nhà nước Angola bị cáo buộc gây thua lỗ dẫn đến món nợ công 200 triệu USD. Chồng của bà Isabel là cổ đông lớn trong công ty liên doanh Thụy Sĩ với thương hiệu trang sức có nguy cơ phá sản.
- Hai công ty cùng các nhà thầu phụ của bà Isabel thu lợi tới 500 triệu USD từ dự án phát triển bất động sản theo phong cách Dubai ở thủ đô Luanda của Angola, do cha bà phê duyệt. Sau đó tân tổng thống ra lệnh hủy bỏ dự án đội vốn quá cao.
Cách đây ba tuần, tổng chưởng lý Angola tuyên bố đóng băng tài sản của vợ chồng bà Isabel cùng một cố vấn với cáo buộc các giao dịch của họ tại công ty dầu mỏ và kim cương thuộc sở hữu nhà nước gây thất thoát ngân sách lên đến 1 tỉ USD.
Các công tố viên Angola hồi tháng 9.2019 đã mở cuộc điều tra hình sự đối với bà Isabel trong thời gian giữ vị trí lãnh đạo tại công ty dầu mỏ nhà nước Sonangol. Họ phối hợp với các đối tác ở Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Mỹ và CH Congo để truy vết tài sản, ngăn chặn rửa tiền và thu thập thêm thông tin.

Cựu tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos

Reuters

 
Theo tờ The Guardian, Isabel và các anh chị em trở thành những nhân vật giàu có nhờ vào quyền lực của cựu tổng thống Jose. Cha cô nhậm chức tổng thống năm 1979 với tư cách là người đứng đầu đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA). Sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 2002, ông Jose và MPLA củng cố quyền lực bằng cách để cho nhà nước sở hữu tất cả lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế.
Hậu quả là đất nước sản xuất dầu lớn thứ hai châu Phi trở thành một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, xếp hạng gần cuối bảng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Tài liệu rò rỉ cho thấy khi cặp vợ chồng Isabel ngày càng giàu có, số lượng ngân hàng sẵn sàng chào đón các vị khách hàng đặc biệt này càng ít đi. Một số ngân hàng hàng đầu đã cắt đứt quan hệ với gia đình tổng thống Jose sau khi các cơ quan thẩm định cảnh báo nguy cơ tham nhũng trong chính quyền Angola.
Những công ty ở châu Âu khác có cách tiếp cận khác, giúp cặp vợ chồng chuyển tiền và giành được các hợp đồng béo bở từ nhà nước Angola. Các công ty PwC và tập đoàn tư vấn Boston (BCG) đã thu phí hàng triệu USD, cung cấp các dịch vụ như kiểm toán và tư vấn quản trị cho vợ chồng bà Isabel đối với các công ty của họ ở Malta, Thụy Sĩ và Hà Lan. Sau khi tài liệu bị rò rỉ, PwC tuyên bố đã mở một cuộc điều tra nội bộ trước “những cáo buộc rất nghiêm trọng” liên quan đến thành viên gia đình dòng họ dos Santos.
Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước và đảng cầm quyền vào năm 2017, Tổng thống João Lourenço, tuyên bố sẽ quyết tâm dẹp trừ tham nhũng. Các mục tiêu cấp cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông là con cái của người tiền nhiệm.
Người anh em cùng cha khác mẹ của bà Isabel là Jose Filomeno dos Santos đang bị xét xử về tội rút ruột ngân sách với số tiền lên đến 500 triệu USD. Chị gái cùng cha khác mẹ, Welwitschia dos Santos, một nghị sĩ ở quốc hội, đã bị phế truất vào năm ngoái sau khi đến Anh. Welwitschia bỏ trốn sang Anh và rằng bà bị mật vụ Angola đe dọa.
Tên của người phụ nữ giàu nhất châu Phi đã bị xóa khỏi danh sách đại biệu tham gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ngày 21.1 tại Thụy Sĩ. Công ty Unitel của bà đã chi tiền để trở thành nhà tài trợ cho sự kiện. Ban tổ chức tuyên bố đang tái đánh giá sự tham gia của Unitel.
Đáp lại, Isabel và chồng bà cho rằng máy tính nhân viên và cố vấn pháp lý của họ đã bị tin tặc tấn công mạng, trộm dữ liệu, đồng thời tuyên bố sẽ chạy đua chức tổng thống. Cặp vợ chồng này cho rằng họ trở thành mục tiêu tấn công trong một âm mưu mang động cơ chính trị do Tổng thống Lourenço dẫn đầu. Thông qua luật sư, vợ chồng Isabel khẳng định không làm điều gì sai trái và phủ nhận cáo buộc cho rằng ngân sách nhà nước bị bòn rút, tuồn vào đế chế kinh doanh của họ.
Cặp vợ chồng cho rằng các công ty của họ sử dụng hàng ngàn người ở Angola và là một trong những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất. “Chúng tôi đã làm việc cật lực và đầu tư vào đất nước này, nhiều hơn bất kỳ công ty nào”, ông Sindika nói. Trong một bức thư gửi cho truyền thông, cựu tổng thống Jose bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng ông đã chuyển tiền ngân sách vào các công ty của con gái và tài khoản cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.