Nước Anh trong cơn sóng gió Brexit
03/04/2019 08:00 GMT+7
Nội các Anh đang bế tắc trong tìm hướng đi kế tiếp khi gần như mọi đề xuất liên quan đến việc đưa nước này rời EU (Brexit) đều bị quốc hội bác bỏ.
Tự động phát
Rạng sáng qua, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu cho 4 đề xuất mới về Brexit nhưng không có lựa chọn nào được thông qua. Theo Reuters, các đề xuất bao gồm lập liên minh thuế quan với EU hậu Brexit; lập thị trường chung phiên bản 2.0, theo đó giữ tư cách thành viên của Anh trong thị trường chung châu Âu và đàm phán thỏa thuận mới về thuế quan; trưng cầu dân ý lại về Brexit; và cuối cùng là hủy bỏ Brexit nếu không đạt thỏa thuận trước hạn chót 12.4.
Thất vọng vì kết quả, nghị sĩ đảng Bảo thủ Nick Boles, người đưa ra đề xuất thị trường chung 2.0, thông báo từ bỏ đảng này vì không được ủng hộ.
[VIDEO] Nguy cơ Anh "chia tay không thỏa thuận" với liên minh châu Âu tăng lên từng ngày
|
|
Sau nhiều năm đàm phán, nội bộ nước Anh và giữa nước này với EU vẫn không đạt được đồng thuận về cách “ly hôn” cũng như quan hệ song phương hậu Brexit. Trước cuộc bỏ phiếu hôm qua, Hạ viện Anh đã 3 lần bác bỏ dự thảo thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May hết sức vất vả mới có thể nhất trí với EU.
Phản ứng về tình cảnh bế tắc và hỗn loạn hiện nay, tờ Daily Mail hôm qua giật tít: Trò hề khi hạ viện lại không đồng ý với bất kỳ kế hoạch Brexit nào, trong khi tờ Daily Mirror bình luận: “Lại một đêm chia rẽ và tuyệt vọng”.
Sau kết quả hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Brexit của Nghị viện châu Âu Guy Verhofstadt cảnh báo rằng cuộc họp khẩn của EU trong ngày 10.4 là cơ hội cuối cùng để Anh phá thế bế tắc hoặc “đối diện với vực thẳm”. Trong khi đó, Đài Rai 1 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Sự kiên nhẫn của châu Âu với Anh đang cạn dần”.
[VIDEO] Brexit có thể khiến ngành ôtô nước Anh bất ổn
|
Bộ trưởng phụ trách Brexit Stephen Barclay cho biết Thủ tướng Theresa May hôm qua chủ trì cuộc họp nội các kéo dài nhiều giờ để tìm phương án tiếp theo. BBC dẫn lời ông Barclay nói chính phủ có thể đưa thỏa thuận của nữ thủ tướng ra quốc hội bỏ phiếu lần thứ tư trong tuần này.
Nếu vẫn không có gì thay đổi, Anh sẽ đứng trước 2 con đường là Brexit không thỏa thuận, dẫn đến những tác động tiêu cực rất khó lường về kinh tế cho cả hai phía, hoặc trì hoãn lâu dài để đàm phán lại. Tuy nhiên, lựa chọn trì hoãn cũng sẽ gây rắc rối vì khi đó London phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5.
Bình luận (0)