Oanh tạc cơ Mỹ hội ngộ bất thường ở Thái Bình Dương

16/08/2016 06:00 GMT+7

Sự xuất hiện đồng thời của 3 loại máy bay ném bom tầm xa trên đảo Guam là sự phô diễn sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương một cách bất thường.

Oanh tạc cơ Mỹ hội ngộ bất thường ở Thái Bình Dương
Từ trái qua: Các chiếc oanh tạc cơ B-52, B-1 và B-2 trên đảo Guam ngày 10.8 Ảnh: The Japan Times
Ngày 6.8, một số máy bay ném bom tầm xa B-1 của Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để thay thế những chiếc oanh tạc cơ B-52 trong việc hỗ trợ “sứ mệnh hiện diện oanh tạc cơ liên tục” của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Những chiếc B-52 ở Guam sẽ trở về lục địa Mỹ vào cuối tháng này.
Đến ngày 10.8, 3 chiếc B-2, loại máy bay ném bom tàng hình tiên tiến nhất hiện nay của Mỹ, cũng hạ cánh xuống Andersen để phục vụ “sứ mệnh triển khai răn đe và bảo đảm oanh tạc cơ”. Cụ thể, những chiếc B-2 này sẽ tham gia hàng loạt cuộc tập trận nhưng không quân Mỹ không nói rõ chúng sẽ hoạt động ở Guam trong bao lâu, theo báo Stars and Stripes.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James viết trên tài khoản Twitter: “Lần đầu tiên, những chiếc B-52, B-1 và B-2 hiện diện cùng lúc ở khu vực do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đảm trách và thực hiện các chiến dịch phối hợp. Tình huống độc nhất vô nhị này là cơ hội để các quân nhân điều khiển oanh tạc cơ phối hợp và huấn luyện cùng nhau cũng như với các đồng minh và đối tác của chúng ta ở khu vực trong các sứ mệnh khác nhau”, theo tờ The Japan Times.
Trong bài phân tích đăng trên chuyên trang War Is Boring, nhà phân tích Joseph Trevithick cho rằng việc những chiếc B-1, B-2 và B-52 cùng có mặt tại Guam là sự phô diễn sức mạnh bất thường ở khu vực Thái Bình Dương. Ông Trevithick chỉ ra tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 10.8, Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein cho hay ông không thể tưởng tượng tình trạng 3 loại oanh tạc cơ nước này xuất hiện cùng lúc tại một căn cứ ở Trung Đông hay Trung Á.
Răn đe Triều Tiên, Trung Quốc?
Trong bài phân tích nói trên, ông Trevithick khẳng định Mỹ từng điều oanh tạc cơ tới Trung Đông để thể hiện thái độ không hài lòng về chương trình hạt nhân của Iran hoặc tham gia chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra, sau khi vùng Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 2.2014, Mỹ đã tăng cường điều B-52 tới diễn tập ở châu Âu. Tuy nhiên, càng về sau này, không quân Mỹ rõ ràng xem Thái Bình Dương là một trong những khu vực hoạt động quan trọng nhất của oanh tạc cơ. Lý do là Mỹ hiện đối mặt những “hành động khiêu khích” của CHDCND Triều Tiên và “sự bành trướng” của Trung Quốc ở khu vực.
Ông chỉ ra từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã phóng hơn 10 tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trong đó có một quả rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật ở vùng biển nằm giữa hai nước ngày 3.8, buộc Tokyo phải báo động, triển khai các đơn vị đánh chặn tên lửa. Trung Quốc thì bất chấp phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò”, điều oanh tạc cơ H-6K và chiến đấu cơ Su-30 “tuần tra tác chiến” phi pháp quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Trước đó, cựu giám đốc phụ trách các chiến dịch thông tin và tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ James Fanell cảnh báo việc H-6K bay gần Scarborough “nên được xem là một dấu hiệu nhắc nhở khác về mối đe dọa quân sự đối với Hạm đội 7 của Mỹ và các tài sản hải quân của các đồng minh trong khu vực”.
Theo ông Trevithick, việc triển khai 3 loại oanh tạc cơ hạng nặng tới một căn cứ cách xa quê nhà tới hàng ngàn dặm là điều mà chỉ Lầu Năm Góc mới có thể làm. “Và với những sự kiện gần đây ở khu vực, việc phô diễn sức mạnh đầy ấn tượng của 3 loại oanh tạc cơ không phải là sự trùng hợp. Với sự hỗ trợ của các máy bay tiếp liệu, những máy bay ném bom tầm xa có khả năng vươn tới những điểm nóng mà những loại máy bay tầm ngắn hay vũ khí khác không thể tới”, ông Trevithick bình luận.
Oanh tạc cơ B-1 được đưa vào tác chiến từ năm 1986, có thể bay với vận tốc trên 1.335 km/giờ, mang theo gần 40 tấn bom và có tầm hoạt động tối đa gần 9.700 km. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, máy bay này chỉ còn được trang bị bom phi hạt nhân nên B-1 không nằm trong danh sách vũ khí hạt nhân chiến lược theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí mới (New START) mà Mỹ và Nga ký hồi năm 2010.
B-2 phục vụ từ thập niên 1990, là một oanh tạc cơ tàng hình, có vận tốc tối đa 1.010 km/giờ, có thể bay tới hơn 11.000 km mà không cần tiếp liệu và thả bom chính xác trong mọi điều kiện thời tiết. Mỗi chiếc mang được tối đa 16 quả bom thông minh GBU-31 JDAM 900 kg hoặc một cặp bom phá boong ke hạng nặng GBU-57 13.600 kg.
Trong khi đó, dù đã phục vụ hơn 50 năm nhưng B-52H vẫn là máy bay răn đe hạt nhân chủ lực của Mỹ, có vận tốc tối đa 1.000 km/giờ và có thể bay tới gần 5.000 km mà không cần tiếp liệu. Ngoài bom, máy bay này còn được trang bị tên lửa hành trình AGM-86B có tầm bắn trên 2.400 km và vận tốc 890 km/giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.