Oanh tạc cơ siêu hạng của Nga

06/09/2016 10:00 GMT+7

Nga đang phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược với khả năng vượt trội.

Dự kiến vào cuối năm nay, Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận động cơ NK-32 được nâng cấp cho oanh tạc cơ chiến lược mới Tu-160M2. Theo kế hoạch, Tu-160M2 sẽ cất cánh lần đầu tiên vào năm 2018 trước khi được sản xuất hàng loạt vào năm 2021.
Tấn công từ tầng bình lưu
Báo Russia Beyond the Headlines (RBTH) dẫn lời các nhà sản xuất cho hay động cơ mới sẽ giúp Tu-160M2 có thể bay ở độ cao trên 18,2 km, tức ở tận tầng bình lưu. “Phiên bản NK-32 mới có thể hoạt động không chỉ như động cơ máy bay phản lực mà còn như động cơ tên lửa”, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga khẳng định với RBTH.
Hồi năm 2015, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuriy Borisov tiết lộ với Hãng tin RIA-Novosti rằng động cơ mới sẽ cải thiện khả năng hoạt động và nâng tầm bay thêm ít nhất 1.000 km so với phiên bản hiện nay.
Tu-160M2 là phiên bản phát triển từ Tu-160, loại oanh tạc cơ cuối cùng được đưa vào tác chiến trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Hiện nay, không quân Nga còn vận hành 16 chiếc Tu-160 có vận tốc tối đa hơn 2.220 km/giờ. Dù được nâng cấp từ Tu-160 nhưng Tu-160M2 gần như là một loại máy bay khác. “Đây sẽ là loại máy bay mới hoàn toàn, không phải Tu-160 mà là Tu-160M2”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Borisov từng khẳng định với RIA-Novosti. Ông Borisov tiết lộ rằng Tu-160M2 sẽ được trang bị hệ thống tên lửa hoàn toàn mới, nhưng không cung cấp chi tiết.
Trong khi đó, biên tập viên Franz-Stefan Gady của chuyên san The Diplomat nhận định do bị giới hạn về khả năng tàng hình, Tu-160M2 mới sẽ được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kh-101/Kh-102 (phiên bản mang đầu đạn hạt nhân) với tầm bắn ước tính 2.700 - 5.000 km để có thể tấn công từ xa, không phải mạo hiểm vào không phận của đối phương. Còn cựu Tư lệnh không quân Nga Pyotr Dainekin tiết lộ với RBTH rằng Tu-160M2 có thể được trang bị mọi loại bom, với tổng trọng lượng đầu đạn lên tới 40 tấn.
Ngoài vũ khí, giới chuyên gia cho rằng Tu-160M2 cũng sẽ được trang bị các hệ thống cảm biến, liên lạc, điện tử hàng không và phần mềm vận hành mới. Trong đó, phần lớn nâng cấp sẽ tập trung vào hệ thống điện tử hàng không. Một đại diện Công ty công nghệ điện tử vô tuyến KRET của Nga mới đây tiết lộ với RIA-Novosti: “Trong dự án hiện đại hóa Tu-160, KRET sẽ tạo ra những hệ thống kiểm soát, tác chiến điện tử, giám sát việc sử dụng nhiên liệu cũng như kiểm soát vũ khí”. Tu-160M2 vẫn duy trì sứ mệnh răn đe hạt nhân như trước đây, theo The National Interest.
Giải pháp trung hạn
Hiện Nga đang phát triển loại oanh tạc cơ chiến lược thế hệ mới PAK DA, nhưng vẫn phải sản xuất Tu-160M2. Lý do là dự án này đang bị trì hoãn và chiếc PAK DA đầu tiên chỉ có thể xuất hiện trong giai đoạn 2020 - 2025. “Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Nga đang tạo ra oanh tạc cơ thay thế trong “trung hạn” cho PAK DA”, nhà bình luận quân sự Nga Dmitry Litovkin nhận định với RBTH. Một nguồn thạo tin tiết lộ với RBTH rằng dự án phát triển PAK DA có thể là chương trình tốn kém nhất của Bộ Quốc phòng Nga trong thập niên 2020, có thể ngốn tới 5 - 7 tỉ USD.
Dù là máy bay “lấp chỗ trống” nhưng Tu-160M2 không chỉ sẽ trở thành vũ khí răn đe mà còn có thể đáp ứng những thách thức hiện nay của Bộ Quốc phòng Nga, theo RBTH dẫn lời một số chuyên gia quân sự Nga. Còn The National Interest dẫn lời giới phân tích dự đoán Tu-160M2 sẽ là thành phần chủ chốt trong lực lượng oanh tạc cơ chiến lược của Nga trong tương lai. Tuy nhiên, Tu-160M2 sẽ không thể thay thế máy bay ném bom đàn anh Tu-95. Hai loại máy bay ném bom này sẽ hoạt động cùng nhau trong vài thập niên tới.
“Cả hai pháo đài bay này sẽ phải cùng tồn tại song song như B-52H và B-1B (các loại oanh tạc cơ của Mỹ - NV)”, nhà nghiên cứu Michael Kofman tại Tổ chức CNA Corporation (Mỹ) khẳng định với The National Interest.
Nga hiện có khoảng 30 - 35 chiếc Tu-95 đang trong biên chế. Theo giới chức quốc phòng Nga, sau khi được hiện đại hóa, Tu-95 có thể phục vụ ít nhất cho tới thập niên 2030. Bộ Quốc phòng Nga cũng dự định mua 50 chiếc Tu-160M2 cho không quân và lực lượng này có thể nhận chiếc đầu tiên vào năm 2023.
Sát thủ tàu sân bay cho oanh tạc cơ
Các nhà thiết kế Nga đang tiến hành những đợt thử nghiệm cuối cùng tên lửa hành trình mới Kh-32 dành cho oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3, vốn đang được Moscow triển khai tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, theo báo RBTH.
Mỗi chiếc Tu-22M3 có thể mang 2 tên lửa Kh-32, mỗi quả nặng khoảng 6 tấn và mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 500 kg.
Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga Igor Korotchenko nhận định với RBTH rằng Kh-32 là vũ khí hoàn hảo cho việc tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay và pháo hạm của đối phương. Tuy nhiên, ông Korotchenko nhấn mạnh rằng Kh-32 chỉ phục vụ cho mục đích răn đe. Không giống các tên lửa khác, Kh-32 có thể bay ở độ cao lên tới gần 40 km, nơi không có chiến đấu cơ và tên lửa đối phương hoạt động, trước khi bay xuống tấn công mục tiêu với vận tốc có thể lên tới 5.000 km/giờ.
Một nguồn thạo tin khẳng định với RBTH rằng không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể phát hiện Kh-32 tiếp cận mục tiêu, kể cả hệ thống tối tân S-400 của Nga và MIM-104 Patriot của Mỹ.
Kh-32 được nâng cấp từ một tên lửa thời cuối thập niên 1960. Phiên bản trước cũng có thể mang đầu đạn 500 kg, nhưng có tầm hoạt động chỉ khoảng 90 km và độ chính xác không cao. Trong khi đó, Kh-32 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 1.000 km và được trang bị hệ thống kiểm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.