Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia” - Kỳ 2: Theo dõi kiểu Đức

04/07/2013 03:10 GMT+7

Tại châu Âu, Đức là một trong những quốc gia “cộm cán” nhất về hệ thống theo dõi thông tin của lực lượng tình báo.

Khi thông tin về việc khối EU và nhiều nước thành viên là mục tiêu do thám của Anh, Mỹ được Edward Snowden tiết lộ, chính phủ Đức phản ứng khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước đó, dư luận nước này đánh giá thái độ của Berlin đối với vụ Snowden là quá thận trọng. Theo Global Research, nguyên nhân là vì trên thực tế, các cơ quan an ninh Đức cũng theo dõi chặt chẽ mạng internet và điện thoại trong nước.

Di sản của Chiến tranh lạnh

Từ năm 1968, Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) đã nghe lén gần như toàn bộ cuộc gọi điện thoại, điện tín hoặc các phương tiện thông tin liên lạc khác giữa Đông và Tây Đức, theo Global Research. Đến đầu thập niên 1990, không còn bức tường Berlin nhưng việc theo dõi chẳng những không gián đoạn mà còn được tăng cường và mở rộng. Không chỉ vậy, với kinh nghiệm hoạt động liên tục trong thời Chiến tranh lạnh, mật vụ Đức luôn nổi tiếng là rất lợi hại. Đầu năm 1994, BND kiểm soát hệ thống thông tin liên lạc giữa Đức với các nước khác với nhiều lý do “hợp pháp” như: đề phòng tấn công khủng bố, chống hàng giả, phá các đường dây buôn ma túy, vũ khí… Nhưng trên thực tế, phương thức hoạt động của BND không ít lần khiến dư luận bất bình. Thậm chí, năm 1998, Giáo sư về luật hình sự của ĐH Hambourg Michael Kohler và báo Taz đã đệ đơn kiện các hoạt động theo dõi của BND lên Tòa án Hiến pháp Liên bang. Tuy nhiên, tòa đã nhanh chóng xếp hồ sơ vụ việc.


Mỹ và Đức đều là những nước bí mật theo dõi chặt chẽ thông tin liên lạc và internet - Ảnh: Reuters 

Luật của Đức đã nhiều lần thay đổi để kiểm soát hoạt động của các cơ quan tình báo. Năm 2001, quốc hội nước này gia tăng quyền hạn theo dõi thư điện tử cho BND, nhưng giới hạn ở mức 20% tổng lượng thông tin liên lạc giữa Đức với các nước trên thế giới. Hiện nay, tỷ lệ nói trên giảm còn 5%.

Xâm nhập internet

Tương tự các cơ quan tình báo Anh, Mỹ, BND được quyền lấy dữ liệu trực tiếp từ nhà mạng internet. Theo tờ Der Spiegel, phần lớn việc kiểm soát mạng lưới thông tin được thực hiện ở trung tâm chuyên xử lý dữ liệu (DE-CIX) tại Frankfort thuộc Hiệp hội Các nhà cung cấp internet Đức. Trung tâm này được đánh giá là có quy mô hàng đầu châu Âu. Vấn đề ở chỗ, hoạt động theo dõi của BND nhiều khả năng không gói gọn trong lãnh thổ Đức. Khoảng 500 nhà cung cấp mạng, máy chủ cùng một số tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin như Yahoo, Facebook thuộc 50 quốc gia cùng có sử dụng hệ thống của DE-CIX. Do đó, BND có thể “chạm tay” vào thông tin điện tử của công dân mạng đến từ khắp nơi trên thế giới.

Năm 2010, BND “chặn” khoảng 37 triệu thư điện tử. Tuy nhiên, do phần nhiều trong số đó là thư rác, các chuyên gia của cơ quan này đã tiến hành phương pháp sàng lọc dựa trên 16.000 từ khóa. Đến năm 2012, mật vụ Đức “chỉ” còn phải xem xét khoảng 900.000 thư. Về nguyên tắc, BND chỉ được theo dõi những thư tín mang tính “quốc tế” và không được động chạm tới đời tư công dân Đức. Quy định này không phù hợp với thực tế vì rất nhiều người dân nước này dùng dịch vụ thư điện tử hoặc mạng xã hội của các tập đoàn Mỹ như Google, Yahoo, Facebook… Như vậy, tỷ lệ 5% mà luật Đức quy định không phải là con số nhỏ. Đó là chưa tính, ngoài BND, “lực lượng” theo dõi thông tin qua mạng điện thoại, internet ở nước này còn phải bổ sung cảnh sát tư pháp, tình báo quân đội, tình báo của các bang…

Hồi tháng 6, Der Spiegel đưa tin BND sẽ đầu tư 100 triệu euro để đầu tư vào hoạt động theo dõi mạng internet. Theo đó, trong 5 năm tới, cơ quan này sẽ tuyển dụng 130 nhân viên để thành lập một bộ phận chuyên trách an ninh mạng và công nghệ thông tin.

Đại sứ quán Ecuador tại London bị theo dõi

AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino ngày 3.7 cho biết Đại sứ quán nước này tại thủ đô London của Anh cũng bị nghe lén. Vụ việc được phát hiện hồi giữa tháng 6, khi mật vụ Ecuador tiến hành kiểm tra khu nhà và tìm thấy bọ nghe lén. Ông Patino khẳng định sẽ yêu cầu “bên có liên quan” giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, ông cho rằng động cơ theo dõi có thể không liên quan đến Edward Snowden. Sứ quán Ecuador là nơi đang cho nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange ẩn náu.

Tổng thống Bolivia “gặp hạn” vì Snowden

Chiều 3.7, máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales đã có thể lên đường về nước sau một ngày kẹt tại sân bay Vienna ở Áo, theo AFP. Trước đó, chiếc chuyên cơ buộc phải hạ cánh ngoài kế hoạch xuống Áo sau khi Pháp, Ý và Bồ Đào Nha đóng cửa không phận do có tin đồn Edward Snowden có mặt trên máy bay. Tin đồn xuất phát từ việc ông Morales phát biểu trong chuyến thăm Nga rằng có thể xem xét yêu cầu xin tị nạn cho Snowden, người đang bị Mỹ truy lùng vì tiết lộ thông tin mật về chương trình do thám của nước này. Sau đó, Bolivia cực lực bác bỏ chuyện cho Snowden lên máy bay đào tẩu đồng thời chỉ trích kịch liệt hành động “khiến tính mạng Tổng thống Morales bị đe dọa” của các nước châu Âu. Đến hôm qua, Bolivia tuyên bố sẽ khiếu nại vụ này lên LHQ, theo AFP. 

Lê Loan

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia”: Pháp gấp rút nâng cấp tình báo nội địa
>> Máy bay tổng thống Bolivia hạ cánh khẩn vì nghi chở Snowden
>> Lựa chọn tị nạn của Snowden thu hẹp dần
>> Edward Snowden xin tị nạn ở 21 nước
>> Edward Snowden xin tị nạn ở Nga, dọa tiết lộ thêm thông tin mật về Mỹ
>> Vụ Snowden: Ecuador sẽ hội ý trước với Mỹ
>> Những tình tiết bí mật đằng sau vụ Edward Snowden đào thoát khỏi Hồng Kông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.