Hằng tháng, Trung Quốc đều đặn triển khai một số tàu cảnh sát được trang bị pháo từ tỉnh Vân Nam để xuống tuần tra khu vực sông Mê Kông nằm giữa Lào, Myanmar và Thái Lan. Theo tường thuật của Đài NPR, pháo hạm Trung Quốc đi đến đâu là hụ còi inh ỏi đến đó và có những thời điểm, Lào lẫn Thái Lan phải điều động lực lượng theo dõi sát sao. Trung Quốc bắt đầu đưa tàu tuần tra nhằm đảm bảo “an ninh biên giới trên sông” sau vụ 13 thuyền viên trên 2 tàu chở hàng nước này bị cướp sát hại hồi tháng 10.2011. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi trước ý định thực sự đằng sau. Chuyên gia Elliot Brennan thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và phát triển chính sách (Thụy Điển), nhận định: “Sự hiện diện của tàu pháo Trung Quốc là nhằm tăng cường ảnh hưởng cũng như gửi thông điệp thể hiện sức mạnh với các nước trong khu vực”.
Bên cạnh đó, từ năm ngoái, Trung Quốc lên kế hoạch nạo vét quy mô lớn, dùng mìn cho nổ tung nhiều cồn bãi trên các đoạn sông nối Vân Nam tới tỉnh Luang Prabang ở Lào và tỉnh Chiang Rai của Thái Lan nhằm phục vụ tàu trọng tải đến 500 tấn. Khi đó, chính phủ Thái đồng ý hợp tác và thậm chí đã thông qua dự án khảo sát để xác định khối lượng nạo vét. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải phản đối gay gắt từ người dân địa phương cũng như các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Thái Lan và chính quyền Bangkok cuối cùng thông báo hủy bỏ kế hoạch hợp tác. Tuy nhiên, giới quan sát trong nước vẫn nghi ngại Trung Quốc đang ra sức tác động để chính phủ Thái chấp thuận trở lại. “Dùng mìn phá thác ghềnh không chỉ hủy hoại hệ sinh thái, đe dọa an ninh lương thực mà còn mở đường cho tàu cỡ lớn xuôi dòng, có thể bao gồm cả chiến hạm”, ông Niwat Roikaew, người đứng đầu Tổ chức Bảo vệ môi trường Rak Chiang Khong (Thái Lan), nói với Reuters.
“Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, cùng lúc tăng cường hoạt động nhằm kiểm soát cả dòng sông Mê Kông”, chuyên gia Brennan lưu ý. Đối với Biển Đông, cộng đồng quốc tế gần đây liên tục bày tỏ quan ngại và có các động thái đảm bảo tự do hàng hải sau những hành động bồi đắp và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc. Trong khi đó, “không giống Biển Đông, các nước bên ngoài hầu như không can dự vào vấn đề sông Mê Kông nên Trung Quốc không phải đối mặt trước áp lực từ Mỹ cùng đồng minh”, NPR dẫn lời học giả Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định.
Bên cạnh đó, trong vòng 1 thập niên qua, Trung Quốc cấp tập đầu tư xây dựng 10 đập thủy điện cùng một số dự án đã được lên kế hoạch trên dòng sông Mê Kông, bất chấp sự phản đối quyết liệt của dư luận trong khu vực lẫn các chuyên gia quốc tế. “Sinh kế của gần 60 triệu người ở vùng hạ lưu Mê Kông bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và VN đều gắn bó với dòng sông. Các đập thủy điện Trung Quốc hiện là mối đe dọa đối với khu vực”, ông Thitinan nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn Đài WSNC, bà Phongsee Sriattana (52 tuổi), sống tại làng Sob Ruak của Thái Lan gần ngã ba sông giáp Lào và Myanmar, cho biết: “Lúc tôi còn trẻ thì sông đầy cá. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc xây đập thủy điện, mực nước sông thay đổi thất thường và sản lượng cá sụt giảm nghiêm trọng”. Theo bà, Trung Quốc xả nước đập thủy điện nếu muốn để tàu chở hàng xuống hạ lưu và giữ nước khi không có tàu đi qua, khiến nhiều người mất đi sinh kế. Tương tự, ông Singkha Wantanam (61 tuổi) than thở: “Tôi lo ngại Trung Quốc xây dựng thêm đập thủy điện. Không ai có thể ngăn chặn họ và dần không còn cá để đánh bắt”.
Bình luận (0)