Hàng tỉ năm trước, sao Hỏa được cho là có nhiều hồ và đại dương, nhưng tất cả nước đã biến mất một cách bí ẩn và chỉ còn lại bề mặt đất đá hoang tàn trên “hành tinh đỏ” vào ngày nay.
Nhiều người cho rằng nước trên sao Hỏa đã bốc hơi ra không gian, nhưng một nghiên cứu mới do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ cho rằn nước không bay đi đâu mà có thể được giữ lại trong các khoáng chất ở lớp vỏ hành tinh này.
“Chúng tôi đang nói về lớp vỏ sao Hỏa hình thành nên khoáng chất kết tinh nước, tức khoáng chất có nước trong cấu trúc tinh thể”, theo bà Eva Scheller dẫn đầu nghiên cứu đăng trên chuyên san Science.
Mô hình của bà Scheller cho rằng có khoảng 30-99% lượng nước ban đầu trên sao Hỏa vẫn còn được giữ lại trong các khoáng chất này. Các nhà khoa học ước tính sao Hỏa từng có nước đủ để nhấn chìm cả bề mặt hành tinh này trong đại dương sâu từ 100-1.500 m.
Do hành tinh này sớm mất từ trường, bầu khí quyển dần dần mất đi và đây được cho là nguyên nhân khiến nước biến mất.
Sử dụng dữ liệu quan sát được bằng các xe tự hành trên sao Hỏa cũng như thiên thạch từ hành tinh này, nhóm nghiên cứu tập trung vào hydro, nguyên tố cơ bản của nước.
Họ cho rằng có sự kết hợp của 2 cơ chế, việc giữ nước lại trong khoáng chất ở lớp vỏ, cũng như việc mất nước vào bầu khí quyển đã khiến nước biến mất trên bề mặt. Việc mất nước dường như đã xảy ra từ 4,7-4 tỉ năm trước.
Nhóm đưa ra nhiều mô hình khác nhau, dự kiến sẽ so sánh với các dữ liệu mà tàu vũ trụ Perseverance của NASA sẽ thu thập được, sau khi hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng trước. Việc nghiên cứu về nước có thể giúp giới thiên văn học tìm hiểu nhiều hơn về nguồn gốc của sự sống có thể từng tồn tại trên hành tinh này.
Bình luận (0)