Phóng viên chiến trường trẻ dấn thân

06/05/2017 07:39 GMT+7

Bất chấp nguy hiểm và đồng lương ít ỏi, nhiều phóng viên trẻ quyết dấn thân vào những điểm nóng xung đột trên thế giới.

Các phóng viên thế hệ Y (chỉ những người trong khoảng 22 - 32 tuổi) dù được đào tạo bài bản nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm khi tác nghiệp ở chiến trường. Họ phải tự học cách giữ lấy mạng sống để phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh và nỗi đau mất mát nơi chiến sự.
Không sợ chết
Theo phóng sự mới của tờ The Guardian nhân ngày Tự do báo chí thế giới của LHQ (3.5), đa phần các nhà báo trẻ chỉ vừa rời ghế nhà trường khi lần đầu đến tác nghiệp tại những điểm nóng như Dải Gaza, Libya và Syria. Một trường hợp điển hình là Trần Du (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp đại học cùng chứng chỉ tiếng Ả Rập, anh trở thành phóng viên Tân Hoa xã vào năm 2009. Một năm sau, làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ả Rập bùng phát và Ban Biên tập Tân Hoa xã đặt vấn đề với Du về việc điều anh đến Ai Cập, tăng cường lực lượng phóng viên thường trú tại đây. “Không, tôi muốn ra chiến trường”, Du kể với The Guardian cuộc đối thoại với sếp mình.
Vào năm 2012, Trần Du, khi đó mới 25 tuổi, đến Dải Gaza để tường thuật về xung đột Israel - Palestine. Kinh nghiệm đầu tiên trong vùng chiến sự của anh là chứng kiến cái chết của 2 đồng nghiệp Palestine khi chiếc xe chở họ trúng tên lửa và nổ tung. “Tôi chỉ vừa nói chuyện với họ trước khi đoàn xe lên đường, quay đầu lại nhìn thì họ chỉ còn là tro bụi”, Trần Du nhớ lại. Anh thừa nhận thời gian đầu rất chật vật và thậm chí bị sốc, không biết phải chụp ảnh như thế nào trước cảnh quá nhiều người chết và bị thương. Tuy nhiên, nghiệp phóng viên chiến trường như “vận” vào người anh và Trần Du tiếp tục có mặt thường xuyên tại những điểm nóng ở Trung Đông. Tháng 9.2014, vừa nghỉ phép về nhà thăm vợ sinh con gái đầu lòng là anh lập tức lên đường đi Iraq, ngay sau vụ tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. “Tôi có đứa con gái luôn đợi ở nhà. Tôi luôn tự nhủ mình phải sống”, Trần Du bồi hồi nói.
Bóng hồng vùng lửa đạn
Không chỉ nam giới, các nữ phóng viên trẻ cũng xung phong ra chiến trường bất chấp hiểm nguy. Nữ phóng viên tự do người Mỹ Lindsey Snell (32 tuổi) đã có hơn 3 năm lăn lộn tại Syria và có lúc tưởng chừng đã “rơi vào địa ngục”. Tháng 7.2016, nhóm Jabhat al-Nusra, một nhánh của al-Qaeda, bắt cóc Snell khi cô đang tường thuật đợt giao tranh ác liệt giữa lực lượng chính phủ và phe nổi dậy ở Aleppo. “Lúc đó tôi nghĩ rằng mình sẽ bị giam một năm cho đến khi gia đình trả tiền chuộc hoặc bỏ mạng tại đây”, Snell kể với The Guardian. Nhờ giấu điện thoại trong người và kịp thời nhắn tin cầu cứu đồng nghiệp, cô được một nhóm nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn giải cứu, đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vừa đặt chân qua biên giới, Snell lại bị quân đội nước này bắt giam hơn nửa tháng với cáo buộc làm gián điệp. Nhờ sự vận động của nhiều tổ chức quốc tế, cô được trả tự do chỉ vài ngày trước vụ đảo chính hụt gây chấn động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đáng nói là đến nay nữ nhà báo trẻ vẫn bức xúc vì câu chuyện riêng của cô trở thành tâm điểm chú ý của dư luận nên che lấp mất những bài viết nóng bỏng về số phận thường dân Syria trong cảnh chiến loạn.
Phóng viên Dương Vấn Ý thuộc Đài truyền hình Đông Phương Thượng Hải (Dragon TV, Trung Quốc) thì nằng nặc đòi đến Libya tường thuật cuộc nổi dậy lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011 dù ban đầu ban biên tập từ chối đề xuất của cô với lý do “nơi đó không dành cho nữ giới”. “Chạy! Chạy! Chạy!”, cô nhắc lại tiếng hét với 2 người quay phim khi đạn pháo rơi ngay sát đoàn xe của mình. Đến nay, nữ phóng viên 29 tuổi vẫn lăn lộn tại những khu vực nóng bỏng nhất và từng có mặt tại miền đông Ukraine lẫn Syria.
Theo The Guardian, trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều tờ báo và hãng truyền thông chủ yếu dựa vào phóng viên tự do khai thác thông tin từ vùng chiến sự. Tuy nhiên, họ không được trả bảo hiểm và phải tự lo mọi chi phí từ ăn ở cho đến sắm áo giáp. “Nhưng không phải mỗi ngày đều có tin bài để lãnh nhuận bút. Có khi suốt hơn 2 tuần liền chúng tôi không kiếm được đồng nào mà số tiền mang theo thì cứ cạn dần”, phóng viên chiến trường tự do người Mỹ Steven Dorsey (27 tuổi) chia sẻ. Những lúc không tác nghiệp ở vùng chiến sự, Dorsey trở về Mỹ làm lính cứu hỏa.
Vì thế, đối với các phóng viên trẻ, động lực thôi thúc họ không phải là tiền bạc mà là quyết tâm mang sự thật nơi chiến trường đến với dư luận. “Chúng tôi cố gắng giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của chiến tranh. Chúng tôi phải tự học cách bảo toàn tính mạng để làm được điều này”, Dương Vấn Ý tâm sự với The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.