Phương án quân sự của Mỹ với Triều Tiên

01/11/2017 07:59 GMT+7

Giữa lúc tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn như chảo dầu, Mỹ sẽ phải cân nhắc và tính toán rất kỹ trước khi đưa ra bất kỳ động thái quân sự nào.

Mặc dù chưa thể chắc chắn về tiến độ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nhưng các vụ thử tên lửa và vũ khí của Bình Nhưỡng thời gian qua đã làm chính giới Mỹ đứng ngồi không yên.
Trong báo cáo mới “Thách thức hạt nhân Triều Tiên: Những lựa chọn quân sự và vấn đề cho quốc hội Mỹ”, Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt cứng rắn có mang lại kết quả nhưng không ngăn được thực tế rằng Triều Tiên đã có những bước tiến nhanh và đáng kể trong chương trình hạt nhân.
Điều này khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đưa vấn đề Triều Tiên lên thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Giới chức Mỹ không ngại đưa khả năng tấn công ngăn chặn Triều Tiên ra thảo luận và bản thân Tổng thống Trump cũng nhiều lần tuyên bố về giải pháp quân sự.
Với những phân tích đó, CRS đã trình bày 7 phương án quân sự mà Washington có thể xem xét đối phó với Bình Nhưỡng gồm: giữ nguyên hiện trạng quân sự; tăng cường ngăn chặn, răn đe; sử dụng tên lửa đánh chặn để ngăn Triều Tiên phóng tên lửa có khả năng đe dọa Mỹ, loại bỏ cơ sở tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và bệ phóng của Triều Tiên; phá hủy các cơ sở hạt nhân; thay đổi chế độ và cuối cùng là rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc. Ứng với mỗi lựa chọn trên, CRS chỉ ra những rủi ro có thể xảy đến nếu Washington thất bại hoặc chọn sai cách tiếp cận.
Theo cơ quan này, Bình Nhưỡng có thể phản ứng bằng hành động quân sự với nhiều phương tiện quy ước lẫn không quy ước. Và dù Bình Nhưỡng phản ứng bằng vũ khí hay chiến thuật nào thì cũng có thể dẫn đến chiến tranh diện rộng trên bán đảo Triều Tiên. Theo tính toán của CRS, khi xung đột quân sự nổ ra, 25 triệu người ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm 100.000 công dân Mỹ. Cho dù Triều Tiên chỉ dùng vũ khí quy ước, số người thiệt mạng trong ngày đầu giao tranh có thể lên đến 30.000 - 300.000 người. Bên cạnh đó, chiến tranh sẽ mang tới hệ lụy rất nặng nề về kinh tế.
CRS cho rằng quốc hội Mỹ cần cân nhắc kỹ hàng loạt vấn đề trước khi tiến hành bất cứ hành động quân sự nào đối với Triều Tiên. Không chỉ từ phía Triều Tiên, Mỹ sẽ phải tính đến phản ứng của các nước khác trong khu vực, nhất là Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh thời gian qua đã tham gia vào nỗ lực gây sức ép để kiềm chế Bình Nhưỡng, nhưng một khi Mỹ tấn công ngăn chặn hay phủ đầu Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không dễ gì đứng ngoài nhìn. Sự can dự của Trung Quốc dù ở mức độ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ.
Rộ tin sập hầm tại khu thử hạt nhân Punggye-ri
Đài truyền hình Asahi (Nhật Bản) hôm qua đưa tin một đường hầm đang được xây dựng tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên bị sập vào thượng tuần tháng 9, vài ngày sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, khiến khoảng 100 người bị mắc kẹt. Một vụ sập thứ hai xảy ra trong lúc nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành khiến thêm 100 người khác có nguy cơ thiệt mạng. Trước đó, các chuyên gia cảnh báo sau 6 vụ thử hạt nhân, nền đất ở Punggye-ri kém bền vững nên có thể sập bất cứ lúc nào. Hôm 30.10, Cục trưởng Cục Khí tượng Hàn Quốc Nam Jae-cheol cho biết một đợt thử hạt nhân mới có thể khiến khu bãi thử hạt nhân Punggye-ri sụp đổ và làm rò rỉ phóng xạ.
Theo báo cáo của CRS, Triều Tiên hiện sở hữu quân đội có quy mô lớn thứ 4 thế giới với khoảng 1 triệu binh sĩ trong các đơn vị lục quân, không quân, hải quân, tên lửa và đặc nhiệm. Lực lượng Triều Tiên được trang bị đa dạng các loại vũ khí phòng không, chống tăng, trực thăng, tàu ngầm, đặc biệt là tên lửa đạn đạo. Giới chuyên gia ước tính Triều Tiên có sẵn nguyên liệu để sản xuất khoảng 13 - 21 vũ khí hạt nhân. Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) xác nhận thông tin trên, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã dự trữ tới 60 đầu đạn hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.