Đường ai nấy đi

02/04/2008 23:36 GMT+7

Chuyến thăm Nga vừa rồi của Tổng thống Ai Cập H.Mubarak ít được dư luận để ý đến nhưng thực chất lại là sự kiện có thể tác động rất đáng kể tới diễn biến tình hình an ninh chính trị ở khu vực Trung Đông, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy khó có thể đạt được sự nhất trí sâu rộng giữa tất cả các đối tác trong cũng như ngoài khu vực có liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Trước hết là việc ông Mubarak và Tổng thống Nga Putin thỏa thuận thiết lập "mối quan hệ đối tác hiệu quả" giữa hai nước trên lĩnh vực hợp tác hạt nhân mà cụ thể là Nga tham gia xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân ở Ai Cập. Thỏa thuận này khẳng định xu hướng các nước trong thế giới Ả Rập tăng cường tiềm năng hạt nhân, trào lưu các cường quốc hạt nhân tăng cường xuất khẩu công nghệ hạt nhân của họ sang Trung Đông, vùng Vịnh mà cả Nga lẫn Ai Cập đều không phải là quốc gia đi đầu và cuối cùng. Cả hai chiều hướng đó đều tác động mạnh mẽ đến tương quan lực lượng mới giữa các nước trong thế giới Ả Rập và vấn đề hạt nhân của Iran, làm cho những ràng buộc trách nhiệm và lợi ích song phương có trọng lượng hơn trong chính sách của các đối tác bên ngoài đối với khu vực và ngược lại. Hay cũng có thể nói cách khác, tất cả sẵn sàng ưu tiên cho lối đi riêng trước sự đồng thuận về cách tiếp cận và giải pháp chung.

Điều đó cũng thể hiện ở việc cả Nga lẫn Ai Cập đều khẳng định "vai trò trung gian hòa giải" của hai nước này trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông và việc Nga coi hội nghị quốc tế về Trung Đông tới đây được tổ chức ở Moscow là "hội nghị riêng biệt" chứ không phải là hội nghị tiếp theo của những gì đã diễn ra ở Annapolis (Mỹ) năm ngoái, cho dù Nga là thành viên của cái gọi là "Bộ tứ về Trung Đông". Không chỉ có Nga và Ai Cập mà tất cả đều đường ai nấy đi bởi lợi ích riêng đã  nhãn tiền và cấp thiết trong khi lợi ích chung vẫn còn xa vời.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.