Đối tượng tranh chấp giữa Croatia và Slovenia là hồ Ormoz, một vài héc-ta đất trồng trọt và vịnh Piran ở biển Adria. Cuộc tranh chấp biên giới này nổi cộm kể từ khi cả hai tách khỏi Nam Tư trở thành quốc gia độc lập cách đây 17 năm. Croatia dựa vào Công ước Biển của LHQ để chia đôi vịnh Piran trong khi Slovenia đòi 4/5 diện tích vịnh. Lý do là với cách phân định của Croatia, Slovenia phải đi qua lãnh hải của Croatia hoặc Ý nếu muốn từ phần vịnh của mình đi ra biển. Năm 2001, hai nước đã đạt được một thỏa thuận theo hướng phân chia của Slovenia, nhưng rồi thỏa thuận này không được Quốc hội Croatia phê chuẩn. Bây giờ, Croatia dự định nhờ Tòa án quốc tế về biển phán xử hộ.
Nếu đưa ra tòa thì tòa án này phải xét xử, nhưng chưa biết đến bao giờ mới có được phán quyết cuối cùng, trong khi EU dự định sẽ kết thúc đàm phán về việc kết nạp Croatia chậm nhất vào cuối năm 2009. Đối với Slovenia, quyền phủ quyết là công cụ cuối cùng và đắc dụng nhất để ép Croatia chấp nhận điều kiện của mình. Đối với Croatia, nếu phải cắt bớt lãnh hải và lãnh thổ để được đứng vào hàng ngũ của EU thì cái giá phải trả sẽ quá đắt, sẽ trở thành vấn đề chính trị nội bộ.
Điều thú vị ở đây là cách ứng xử của Slovenia và EU. Khi xưa, Ý cũng đã phủ quyết việc kết nạp Slovenia vào EU để ép Slovenia nhượng bộ song phương. Bây giờ, Slovenia lại sử dụng đúng cách đó đối với Croatia. Khi xưa, không ít thành viên EU, đặc biệt là Đức, hậu thuẫn Slovenia, gây áp lực buộc Ý từ bỏ việc phủ quyết. Bây giờ, chẳng thành viên EU nào ủng hộ Croatia. Thời thế khác nên lợi ích khác và do đó cách ứng xử cũng khác.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)