Ra mắt đồng xu đặc biệt mừng 100 năm ngày sinh Nelson Mandela

18/07/2018 15:08 GMT+7

Nam Phi vừa ra mắt một bộ đồng xu vàng và tiền giấy phiên bản đặc biệt mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng thống Nelson Mandela 18.7.

Trong một thông báo, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi cho biết tờ tiền giấy phản ánh cuộc đời của Mandela. Ông đã đấu tranh để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid vào năm 1994 và trở thành tổng thống Nam Phi. Cố Tổng thống Mandela qua đời vào năm 2013 ở tuổi 95.
Đồng xu vàng khắc họa hình ảnh ông Mandela ở tuổi trung niên. Đây là tác phẩm do nghệ nhân Zimbabwe, ông Sindiso Nyoni thiết kế.
“Sinh ra và lớn lên trong chế độ độc tài dưới thời cựu Tổng thống Robert Mugabe, chúng tôi không thể nào trải nghiệm được cảm giác nền dân chủ mà nhân dân Nam Phi được tận hưởng nhờ công của ông Mandela”, ông Nyoni nói với Reuters.
Cố Tổng thống Nelson Mandela (1918-2013) Reuters
Hiện tại tất cả các tờ tiền giấy lưu hành ở Nam Phi đều có hình ảnh khắc họa khuôn mặt của ông Mandela.
Bộ đồng xu vàng và tiền giấy phiên bản đặc biệt ra mắt cùng thời điểm nhiều sự kiện được tổ chức khắp thế giới để tôn vinh ông Mandela.
Tại Nam Phi, cựu Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu trong sự kiện thường niên Ngày Mandela.
Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nelson Mandela
18.7.1918: Sinh ra tại thị trấn Umtata (sau này đổi tên thành Mthatha), Nam Phi.
1940: Bị đuổi khỏi Đại học Fort Hare (Nam Phi) do đứng đầu phong trào sinh viên chống chế độ apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc).
1943: Nhận bằng cử nhân Đại học Fort Hare sau khi hoàn tất các khóa học báo chí thông qua Đại học Nam Phi.
4.6.1948: Đảng Quốc gia giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, lên cầm quyền theo chế độ apartheid.
1952: Ông Mandela đứng đầu Phong trào Chống đối, động viên nhiều người ủng hộ để hủy bỏ những đạo luật phân biệt đối xử. Ông bị tòa án buộc tội và cấm tham dự những cuộc tụ tập đông người, nhưng sau đó ông vượt qua các kỳ thi để trở thành một luật sư.
1958: Kết hôn với nhân viên xã hội, bà Winnie Nomzamo Madikizela, sau khi ly dị bà Evelyn Mase, người vợ đầu tiên.
1961: Thành lập nhóm Đại hội dân tộc Phi (ANC), một nhóm vũ trang chống lại chế độ Apartheid.
20.4.1964: Thời điểm mà các quốc gia châu Phi giành được tự do sau khi bị đô hộ, ông Mandela bị kết tội phá hoại đất nước, còn ANC bị chính quyền Apartheid cấm hoạt động. Nhưng ông đã đứng lên tuyên bố sẵn sàng hy sinh cho nền dân chủ, cho sự nghiệp chống chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi.
12.6.1964: Ông Mandela và 6 người khác lãnh án tù chung thân và bị đưa đến nhà tù ở đảo Robben, Nam Phi do những hoạt động vũ trang chống chính phủ.
1973: Ông Mandela từ chối lời đề nghị sống lưu vong để đổi lấy tự do của chính quyền apartheid.
2.11.1990: Ông Mandela được trả tự do sau khi ANC đạt được thỏa thuận với chính phủ ngừng đấu tranh vũ trang. Sau đó, chính phủ lâm thời đã hợp pháp hóa đảng ANC và Chủ tịch ANC là ông Mandela.
15.10.1993: Ông Mandela được trao giải thưởng Nobel Hòa bình.
10.5.1994: Ông Mandela trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi sau khi ANC giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử không phân biệt chủng tộc.
19.3.1996: Ông Mandela ly dị vợ thứ hai, bà Winnie Nomzamo Madikizela.
18.7.1998: Ông Mandela kết hôn với Graca Machel, cựu đệ nhất phu nhân Mozambique.
16.6.1999: Ông Mandela về hưu sau một nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng tiếp tục những hoạt động xúc tiến hòa bình thế giới, ủng hộ trẻ em và các hoạt động chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS.
11.7.2010: Ông Mandela lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng tại sân vận động Johannesburg, nhân dịp Nam Phi tổ chức World Cup.
29.4.2013: Truyền hình địa phương phát sóng cảnh Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và các quan chức ANC đến thăm ông Mandela tại nhà ở Johannesburg. Ông Zuma lúc bấy giờ nói tình hình sức ông Mandela vẫn ổn định, nhưng các hình ảnh cho thấy ông Mandela im lặng không có phản ứng gì khi ông Zuma nắm tay ông
8.6.2013: Chính phủ Nam Phi tuyên bố ông Mandela nhập viện điều trị nhiễm trùng phổi, cho rằng tình hình sức khỏe của ông “nguy kịch nhưng ổn định”. Sau đó, ông Mandela được đưa về nhà điều trị
5.12.2013: ông Mandela từ trần ở tuổi 95.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.