Rủi ro tiềm ẩn cho lao động Việt ở Nhật

07/04/2019 21:00 GMT+7

Sang Nhật Bản làm việc với giấc mơ đổi đời song kèm theo đó là những rủi ro tiềm ẩn cho lao động Việt .

Khi đến Nhật Bản hồi cuối năm ngoái với thị thực thực tập sinh, một cô gái Việt phát hiện mình có thai. Công ty tuyển dụng cô ra “tối hậu thư”: phá thai hoặc quay về Việt Nam, theo Reuters. Nhưng nếu trở về, cô sẽ không thể trả món nợ 10.000 USD (232 triệu đồng) đã vay mượn để sang Nhật. “Cô ấy buộc phải ở lại để trả nợ”, ông Shiro Sasaki, Tổng thư ký Nghiệp đoàn Công nhân Zentoitsu, kể. Theo ông, đây không phải là trường hợp cá biệt trong số những lao động Việt tại Nhật khi rất nhiều thanh niên Việt Nam sẵn sàng vay những khoản tiền lớn để sang nước này làm việc với hy vọng mức lương cao sẽ giúp trả nợ và dành dụm một ít. “Ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có trình độ vẫn còn cao nên nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc”, Reuters dẫn lời chuyên gia Futaba Ishizuka tại Viện Kinh tế phát triển Nhật Bản, nhận định.
[VIDEO] Với lao động trẻ nhập cư, nước Nhật có là "đất hứa"?
Nhật bắt người Việt đâm đồng hương
Cảnh sát Nhật đã bắt giữ Nguyen Do Nhat, nghi phạm đâm bị thương một đồng hương ở TP.Kawaguchi, miền trung nước này vào tuần trước. Trang tin Tokyo Reporter dẫn lời nhà chức trách cho hay Nguyen bị cáo buộc dùng dao tấn công người đồng hương 19 tuổi tại một tòa nhà ở khu Namiki hôm 21.3 rồi bỏ trốn. Nạn nhân không được tiết lộ danh tính nhập viện với nhiều vết thương trên đầu và cánh tay trái nhưng hiện đang hồi phục. Cảnh sát cũng đã tìm thấy con dao dính máu bị vứt tại hiện trường. Theo Tokyo Reporter, Nguyen bị bắt tại Tokyo và bước đầu không chịu nhận cáo buộc giết người bất thành. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ
Lao động Việt thường sang Nhật theo chương trình thực tập sinh kỹ năng được chính phủ nước này áp dụng kể từ năm 1993, nhằm đào tạo lao động quốc tế để họ mang kỹ năng học được trở về phát triển đất nước. Tuy nhiên, chương trình bị dư luận chỉ trích gay gắt do một số công ty, hiệp hội tư nhân lợi dụng để lừa đảo, ăn chặn tiền lương và nhập khẩu lao động rẻ mạt. Thống kê của Bộ Lao động Nhật được công bố hồi tháng 6.2018 cho thấy hơn 70% tổng số các doanh nghiệp thuê thực tập sinh nước ngoài vi phạm luật lao động, bao gồm ép công nhân làm việc ngoài giờ, không trang bị bảo hộ lao động hoặc trả lương thấp.
Đó là chưa kể tình trạng lừa đảo hoặc buộc làm những công việc nguy hiểm, không có trong hợp đồng. Theo báo cáo của chính phủ Nhật, 4 công ty tại nước này đã sử dụng thực tập sinh nước ngoài, bao gồm cả người Việt, dọn rác phóng xạ tại Fukushima, khu vực hứng chịu khủng hoảng rò rỉ hạt nhân sau thảm họa động đất/sóng thần năm 2011. Trong số này, một công ty ở tỉnh Iwate còn bị phát hiện không trả phụ cấp với tổng số tiền 1,5 triệu yen (313 triệu đồng) cho 3 thực tập sinh và đã bị cấm nhận thực tập sinh nước ngoài trong vòng 5 năm tới.
Theo số liệu từ Bộ Tư pháp Nhật, số người Việt cư trú tại nước này vào cuối năm 2018 là 330.835 người, tăng 26,1% so với năm 2017 và hiện là cộng đồng nước ngoài lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc (764.720 người) và Hàn Quốc (449.634). Tuy nhiên, theo tờ The Japan Times, điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến hơn 7.000 thực tập sinh tại Nhật bỏ việc trong năm 2017 và gần một nửa trong số đó là từ Việt Nam. Phần lớn lao động Việt thiếu thông tin nên không thể tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ lao động phi lợi nhuận và buộc phải bỏ ra ngoài lao động bất hợp pháp. “Tình hình thực tế ở Nhật hoàn toàn khác với những gì họ được kể ở quê nhà. Họ mắc những khoản nợ lớn và lựa chọn duy nhất là bỏ trốn và gia nhập thị trường lao động chợ đen”, ông Shigeru Yamashita, Giám đốc Hiệp hội Tương trợ Việt Nam tại Nhật, nói. Theo Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 11.000 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Nhật, tăng 64,7% so với tháng 12.2017.
Nghiêm trọng hơn, Kyodo News dẫn báo cáo mới công bố của chính phủ cho hay 171 tu nghiệp sinh quốc tế đã tử vong tại nước này trong giai đoạn 2012 - 2018, trong đó có 28 người thiệt mạng vì tai nạn và 17 trường hợp tự sát. Một thống kê khác cho thấy hơn 80 người Việt chết đột ngột tại Nhật từ năm 2012 đến tháng 7.2018, phần lớn là thực tập sinh và sinh viên ở độ tuổi 20 - 30. Theo tờ Asahi Shimbun, đây là bằng chứng rõ ràng về tình trạng nhiều thực tập sinh Việt Nam tại Nhật đang phải chịu vô số áp lực từ làm việc quá tải, rào cản ngôn ngữ, ăn uống kiêng khem và cả nạn bắt nạt khiến một số không thể chịu đựng và tìm đến giải pháp tiêu cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.