Sau Hwasong-15, Triều Tiên sẽ thử tên lửa gì?

02/12/2017 14:00 GMT+7

Giới phân tích dự đoán CHDCND Triều Tiên sẽ đẩy mạnh thử tên lửa, trong đó có loại phóng từ tàu ngầm, buộc Bắc Kinh phải triển khai hệ thống phòng thủ.

Sáng 29.11, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, nhấn mạnh tên lửa mới “có khả năng mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn và đủ sức đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm bắn”.
Giới phân tích quân sự Trung Quốc vừa dự đoán sau khi phóng Hwasong-15, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa, trong đó có dòng tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn Pukguksong (Bắc Cực Tinh).
Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình, người từng làm việc trong lực lượng tên lửa chiến lược của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng đẩy mạnh việc thử tên lửa phóng trên bộ và trên biển.
Triều Tiên đã thử tên lửa phóng trên bộ Pukguksong-2 hồi tháng 2 và tháng 5, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 2.12. Ông Tống  nhận định Triều Tiên đang nỗ lực phát triển phiên bản phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-3, với tầm bắn hơn 2.000 km.
Yonhap ngày 2.12 dẫn lời chuyên gia Mỹ Joseph S. Bermudez Jr. cho rằng một số hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên sắp đưa vào hoạt động hệ thống thử SLBM thứ 2 và đây là dấu hiệu Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh chương trình tên lửa này.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng sẽ thường xuyên thử tên lửa để chứng minh nước này có khả năng tác chiến hạt nhân thật sự.
“Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thêm nhiều đợt phóng thử tên lửa tầm trung Hwasong-12 và ICBM Hwasong-15. Trong đó, Hwasong-15 sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân để tiến hành các đợt thử hạt nhân đầy đủ ở Thái Bình Dương”, ông Tống nói với SCMP.
Hwasong-12 đã 2 lần bay qua bầu trời Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương trong 2 đợt phóng hồi tháng 8 và tháng 9.2017.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự tại Macau Antony Wong đánh giá Pukguksong-3 sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc vì tên lửa này khó bị định vị và phá hủy.
“Tôi nghĩ những diễn biến thử tên lửa mới nhất [trên bán đảo Triều Tiên] sẽ thúc đẩy Trung Quốc triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo HQ-19 ở tỉnh Liêu Ninh [gần sát Triều Tiên]”, ông Wong dự đoán.
Ông cũng nhận định với SCMP rằng Bắc Kinh đã hoàn tất việc triển khai các hệ thống radar dọc biên giới giáp với Triều Tiên.
Pukguksong-3 được cho là đã xuất hiện trong cuộc duyệt binh vào ngày 15.4 nhằm đánh dấu sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), ông nội của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.
Cả Pukguksong-2 và Pukguksong-3 được cho là có tầm bắn đủ sức nhắm tới Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực.

tin liên quan

Triều Tiên trình diễn hai loại tên lửa mới
Quân đội Hàn Quốc nhận định Triều Tiên lần đầu giới thiệu hai loại tên lửa mới là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và loại phóng từ tàu ngầm (SLBM) trong cuộc duyệt binh ngày 15.4.
Tương tự, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh Châu Thần Minh cho rằng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên đã khiến Bắc Kinh phải nâng cao cảnh giác. “Bắc Kinh vẫn tin rằng căng thẳng xuất phát từ những cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Châu nhận định và dự đoán Trung Quốc cũng sẽ gia tăng hợp tác với Mỹ, chia sẻ thông tin tình báo về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Sau khi phóng Hwasong-15, Triều Tiên tuyên bố đã đạt mục tiêu phát triển lực lượng hạt nhân. Một nghị sĩ Nga vừa trở về từ chuyến thăm Bình Nhưỡng cho hay Triều Tiên sẽ đàm phán với Mỹ chỉ khi được công nhận là nhà nước hạt nhân, theo Đài RT.
Trong khi đó, nhà bình luận Tống Trung Bình cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lâu nay của mình, và tiếp tục không công nhận Triều Tiên là “quốc gia hạt nhân”.
“Nếu Bắc Kinh cho phép Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân, thì nhiều quốc gia láng giềng khác như Nhật sẽ tìm kiếm cơ sở pháp lý cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều đó sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho Trung Quốc”, ông Tống lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.