Sau khi bị ‘nhắc nhở’, Trung Quốc báo về việc giữ nước sông Mê Kông

06/01/2021 21:43 GMT+7

Trung Quốc đã thông báo các quốc gia hạ nguồn Mê Kông về việc giữ nước ở hồ chứa của đập thủy điện Cảnh Hồng, một ngày sau khi công cụ Theo dõi đập trên sông Mê Kông (MDM) phát hiện dòng chảy bất thường.

Ủy ban sông Mê Kông (MRC) và Thái Lan hôm 6.1 cùng lên tiếng cho biết Trung Quốc đã thông báo về việc giữ nước cho đập Cảnh Hồng trên sông Lan Thương trong vòng 20 ngày, theo Reuters.
Tuy nhiên, phía Bắc Kinh chỉ chia sẻ thông tin theo thỏa thuận sau khi MDM, công cụ do Trung tâm Stimson của Mỹ và các đối tác hợp tác vận hành, cho hay Trung Quốc không thông báo cho các quốc gia hạ nguồn Mê Kông về việc chặn dòng, bắt đầu từ ngày 31.12.2020.
Hồi tháng 10 năm ngoái, sau thời gian dài giữ bí mật, Trung Quốc đồng ý chia sẻ dữ liệu luồng chảy của sông Mê Kông với MRC, cơ quan cố vấn của các chính phủ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Hơn 60 triệu người tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang sinh sống nhờ vào hoạt động đánh bắt và làm nông dựa vào nước sông Mê Kông.
Cụ thể, Trung tâm Quản lý Nước Quốc gia Thái Lan cho hay vào ngày 5.1 đã nhận được thông tin của Trung Quốc rằng đập Cảnh Hồng sẽ giảm lượng nước xả từ 1.904 m3/giây xuống còn 1.000 m3/giây, tức giảm đến 47% lưu lượng nước so với bình thường trong giai đoạn từ 5-24.1.
Lý do được Trung Quốc đưa ra là phục vụ cho "công tác bảo trì các hệ thống truyền tải” của mạng lưới điện.
MRC cùng ngày cũng cho biết đã nhận được thông báo tương tự, trong khi đã phát hiện mực nước giảm từ ngày 31.12.2020. Theo tính toán của MRC, mực nước sụt giảm đến 1,2 m, có thể tác động đến hoạt động đi lại của tàu bè và đánh bắt ở hạ nguồn.
Trong khi đó, MDM thông báo trên tài khoản Facebook rằng Trung Quốc không báo với các quốc gia láng giềng về việc giữ nước, khiến mực nước sông tụt xuống hơn 1 m và có thể tạo nên tác động tàn phá các đàn cá ở hạ nguồn.
MDM sử dụng hình ảnh từ mạng lưới vệ tinh để theo dõi 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn cũng như đập của các nước khác. Công cụ này đã bắt đầu hoạt động từ tháng trước, với sự hỗ trợ kinh phí một phần từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Vào thời điểm công bố, Trung tâm Stimson dự báo các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu có thể dựa vào MDM để nắm được những bằng chứng trực tiếp để rút ra các kết luận mà Trung Quốc khó chối bỏ liên quan đến việc giữ nước gây ảnh hưởng hạ nguồn của sông Mê Kông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.