Siemens và siêu dự án điện ở Ai Cập

Mai Vọng
Mai Vọng
06/11/2018 22:28 GMT+7

Siêu dự án điện Egypt Megaproject mà Ai Cập ký với Siemens vừa hoàn thành đã giúp tăng tổng công suất điện của nước này thêm xấp xỉ 50% và cung cấp điện cho 40 trên tổng số hơn 90 triệu dân của xứ sở kim tự tháp.

Với chi phí đầu tư xấp xỉ 8 tỉ euro, chính phủ Ai Cập đã sử dụng vốn vay ưu đãi để đặt hàng Siemens thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay. Đây là dự án điện chu trình kết hợp chạy bằng khí thiên nhiên lớn nhất từng được xây dựng và vận hành trên thế giới lớn, công suất lên tới 14,4 GW. Có thể so sánh siêu dự án này lớn gấp gần 20 lần nhà máy điện chu trình hỗn hợp được coi là quy mô lớn tại Việt Nam là Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai), cũng sử dụng công nghệ của Siemens.
Các nhà báo nhiều nước tham quan siêu dự án điện Ai Cập vào tháng 10.2018 Siemens
Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập cùng với Siemens và đối tác liên danh Công ty xây dựng Orascom và Công ty điện Elsewedy đã hoàn thành siêu dự án này trong thời gian kỷ lục. Thông thường, một nhà máy điện chu trình hỗn hợp với công suất 1.200 MW sẽ mất khoảng 30 tháng thi công, trong khi siêu dự án điện tại Ai Cập, Siemens đã đồng thời xây dựng 12 nhà máy như vậy với thời gian kỷ lục 27,5 tháng và đã thành công kết nới các nhà máy này với lưới điện quốc gia. Ông Joe Kaeser, Chủ tịch và Tổng giám đốc Siemens AC cho biết như trên và khẳng định: “Chúng tôi cam kết với đất nước Ai Cập và chúng tôi đã giữ lời”.
Nhằm kết nối lượng điện được sản xuất bởi các nhà máy điện của Siemens cho mạng lưới điện, Siemens và Elsewedy Electric đã ký một hợp đồng với Công ty Truyền tải điện Ai Cập nhằm xây dựng 6 trạm biến áp cách điện khí 550 kV. Ở siêu dự án này, Siemens còn cung cấp đến 12 trang trại điện gió cho khu vực vịnh Suez và khu vực phía Tây sông Nile, bao gồm khoảng 600 tuabin gió và công suất đặt là 2 GW.
Sau khi hoàn thành vào tháng 7.2018 vừa qua, ông Emad Ghaly, Tổng giám đốc Siemens Ai Cập, đánh giá đây là một thành tựu quan trọng cho đất nước và người dân Ai Cập. Bởi thời điểm dự án được ký kết, tình hình ngành năng lượng ở Ai Cập bị thâm hụt kinh niên, dẫn đến tình trạng cắt điện gây cản trở sản xuất công nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các nhà máy điện này cung cấp đủ điện cho 40 triệu người và giúp Ai Cập tiết kiệm được 1,3 tỉ USD chi phí nhiên liệu hàng năm.
Cùng với siêu dự án này, Siemens còn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao trong tương lai cho Ai Cập, qua việc xây dựng và vận hành một trung tâm đào tạo chung cũng như củng cố một học viện đào tạo nghề công của xứ sở Kim tự tháp. Trong vòng 4 năm tới, Trung tâm đào tạo nghề cho hơn 5.500 kỹ thuật viên và kỹ sư trong các lĩnh vực như vận hành, bảo trì, sửa chữa trong lĩnh vực điện, tự động hóa và điều khiển, cơ điện tử,…. Chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp với các mục tiêu của Ai Cập được đề ra trong “Tầm nhìn Ai Cập 2030” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế lâu dài, tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng cường sức cạnh tranh của các ngành nghề tại Ai Cập.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Siemens Technologies S.A.E, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (BMZ-GIZ) và Bộ Giáo dục Ai Cập đã xác định một chuẩn mực mới cho giáo dục nghề song song ở Ai Cập. Với nền móng của Kim tự tháp cho một lộ trình giáo dục 3 bước, Trường Zein El Abedeen - trường xuất sắc mới được khánh thành là một trường trung học kỹ thuật hệ 3 năm với hệ thống giáo dục song song cung cấp hai ngành nghề mới được phát triển: Bảo trì và sửa chữa cơ khí, điện và tự động hóa công nghiệp. Hai nghề này theo tiêu chuẩn đào tạo của Đức, có tiềm năng việc làm tương đối cao trên thị trường lao động Ai Cập hoặc ở cả nước ngoài.
Cơ hội cho kỹ sư Việt Nam
Vượt qua các nước cạnh tranh khác trong khu vực Đông Nam Á, năm 2014 Việt Nam được Siemens AG chọn để thành lập trung tâm kỹ sư giám sát quản lý công trình tại Việt Nam, để phục vụ cho các dự án nhà máy điện chu trình kết hợp do Siemens nhận thầu trên toàn cầu. Trung tâm này sẽ cung cấp kỹ sư có năng lực tham gia trực tiếp các công việc quản lý, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, vận hành, giám sát chất lượng, an toàn và thân thiện môi trường cho các dự án nhà máy điện.
Các kỹ sư Việt Nam được tuyển dụng sẽ có cơ hội tốt để được đào tạo tại trụ sở chính của Siemens ở Đức và thực hành thực tế tại các nhà máy điện khác nhau trên toàn cầu. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, kỹ sư sẽ được cử đi thực hiện các dự án của Siemens tại khu vực Châu Á và Trung Đông, làm việc tại một trong những ngành công nghệ cao và phức tạp, nhất là nhà máy điện tuốc bin khí và tuốc bin hơi.
Số lượng kỹ sư được tuyển dụng và đào tạo trong thời gian qua là 18 người, làm việc cho 33 dự án nhà máy điện tại 19 quốc gia trên toàn thế giới (Ai Cập, Ả rập Xê út, Malaysia, Hàn Quốc, Algeria…). Riêng tại siêu dự án điện ở Ai Cập có 10 kỹ sư Việt Nam tham gia.
TS Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam, cho biết ông rất tự hào khi được chứng kiến một sự kết hợp tốt đẹp giữa công nghệ cao của Đức được sử dụng bởi đội ngũ kỹ sư lành nghề và cần cù của Việt Nam.
Siemens AG - nhà cung cấp và lắp đặt các nhà máy điện chu trình kết hợp trên toàn thế giới. Tại thị trường Việt Nam, hàng loạt các dự án điển hình như Phú Mỹ 2-1 mở rộng, Phú Mỹ 3, Cà Mau 1 & 2 và Nhơn Trạch 2 đã đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành năng lượng tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.