Theo chuyên san The Diplomat, tàu USS Zumwalt chính thức được xưởng đóng tàu Bath Iron Works chuyển giao cho hải quân vào ngày 20.5 (giờ địa phương) tại TP. Bath thuộc bang Maine. Quá trình đóng tàu bắt đầu từ khoảng năm 2008 - 2009 và đến nay đã tiêu tốn khoảng 4,4 tỉ USD.
Từ tháng 12.2015, USS Zumwalt trải qua các đợt thử nghiệm thành công trên biển và sắp tới sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược biển của Mỹ. “Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại mới đạt được thành quả này. Tôi nghĩ mọi người trong xưởng tàu đều tự hào về công việc chúng tôi đã làm”, kỹ sư John Upham, thành viên dự án Zumwalt tại xưởng Bath Iron Works, nói với tờ The Telegraph trước thềm lễ bàn giao.
Đỉnh cao công nghệ
USS Zumwalt dài 186 m, phần rộng nhất khoảng 24,5 m, độ choán nước tầm 15.000 tấn và vận tốc 56 km/giờ. Với cấu trúc thân đặc biệt cùng những góc cạnh vát nghiêng, tàu giảm bị phát hiện trên radar 50 lần so với các tàu khu trục hiện tại của Mỹ. Cộng thêm khả năng tàng hình tối tân, động cơ đẩy bằng điện tích hợp điều khiển bằng turbin tương tự loại gắn trên máy bay Boeing 777, hình dạng có phần kỳ lạ giúp tàu chạy cực êm, hầu như không để lại đường rẽ nước và có thể ẩn thân trước các hệ thống theo dõi.
Theo Bloomberg, bất chấp kích thước “khủng”, USS Zumwalt chỉ là một dấu chấm nhỏ xíu trên màn hình radar, chỉ to hơn tàu cá một chút. Thậm chí, các nhà thiết kế phải lắp trên thân tàu những tấm phản chiếu khổng lồ có thể kéo lên được để tránh tàu dân sự đâm phải do nhận định sai lầm khi nhìn vào radar.
|
Về vũ khí, USS Zumwalt được trang bị 20 bệ phóng MK 57 VLS chứa 80 tên lửa hành trình Tomahawk, pháo 155 mm, súng phòng không MK110 57 mm… Sắp tới, chiến hạm này sẽ như “hổ thêm vuốt” với những vũ khí hiện đại sắp đưa vào sử dụng như súng laser, súng điện từ… Trên tàu có thể chở theo 1 - 2 trực thăng Sea Hawk và 3 máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout, theo tờ Daily Mail.
Một đặc điểm chứng tỏ năng lực vượt trội của siêu chiến hạm mới là khả năng tự động hóa hoàn hảo cho phép vận hành với nhân sự chỉ khoảng 140 - 150 người, bằng phân nửa so với các tàu khu trục cùng cỡ hiện nay. Độc đáo hơn nữa là, Bloomberg dẫn lời Wade Knudson, người chịu trách nhiệm dự án Zumwalt của Tập đoàn quân sự Raytheon, cho hay hệ thống điều khiển tự động cho phép tàu tự kích hoạt trạng thái chuẩn bị tham chiến như bật pháo lên, đưa tên lửa vào ống phóng hay khóa mục tiêu mà không cần bất cứ động tác nào từ các binh sĩ. Một ví dụ cụ thể khác là trong trường hợp hỏa hoạn, USS Zumwalt sẽ khởi động hệ thống dập lửa và phong tỏa khu vực bị cháy; sau khi dập lửa xong sẽ tự động thoát nước để phục vụ điều tra hiện trường.
Theo AP, chi phí quá cao cùng chính sách thắt lưng buộc bụng của Lầu Năm Góc buộc hải quân chỉ có thể đóng 3 tàu lớp Zumwalt thay vì 32 chiếc như kế hoạch ban đầu. Sở dĩ dự án này tiêu tốn quá nhiều ngân sách vì tàu được tích hợp quá nhiều công nghệ mới. “Phát triển tàu Zumwalt là một thách thức không nhỏ do có quá nhiều công nghệ mới. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm trên biển cho thấy đây là tàu chiến sở hữu những khả năng độc nhất vô nhị”, chuyên gia Loren Thompson thuộc Viện Lexington, Mỹ nhận định với AP.
Đích nhắm Thái Bình Dương
Chuyên gia hàng hải Ron O’Rourke thuộc Cơ quan Nghiên cứu chính sách quốc hội Mỹ nhấn mạnh những cải tiến về công nghệ của tàu USS Zumwalt sẽ rất cần thiết cho nhu cầu tương lai của hải quân, theo tờ Stars and Stripes. Khác với đội tàu khu trục và tuần dương hiện nay, hệ thống điện tích hợp trên tàu cung cấp năng lượng cho công nghệ tàng hình và các hệ thống vũ khí như súng laser, súng điện từ, được phát triển để cạnh tranh với công nghệ của Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, khả năng tấn công vào bờ bằng tên lửa dẫn đường giúp tàu lớp Zumwalt đủ sức phối hợp hiệu quả cùng lực lượng thủy quân lục chiến.
AP dẫn lời đại tá James Kirk, thuyền trưởng tàu USS Zumwalt, cho hay sau khi tiếp nhận, hải quân sẽ chính thức biên chế chiến hạm mới cho Hạm đội Thái Bình Dương vào tháng 10. Sau một thời gian tiếp tục thực nghiệm, con tàu dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2018.
|
Từ lâu, các nhà chiến lược Mỹ đã xác định USS Zumwalt là một thành tố chủ lực trong chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương. Nhân chuyến thăm xưởng đóng tàu Zumwalt hồi năm 2014, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ lúc bấy giờ là ông Jonathan W.Greenert tuyên bố: “Với khả năng tàng hình cùng hệ thống định vị sóng âm, sức tấn công đáng kinh ngạc và cần ít nhân lực vận hành - đây là tương lai của chúng ta. Điều này cũng rất phù hợp với chính sách tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương”.
Bên cạnh đó, tờ Stars and Stripes dẫn lời chuyên gia Peter Singer tại Tổ chức New America Foundation (Mỹ) nhận định con tàu sẽ có nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh sự hiện diện của Mỹ trong các vùng biển đang có nhiều biến động trong khu vực, đóng vai trò răn đe mọi hành động gây bất ổn.
Lớp tàu 22 tỉ USD
Dù đã hoàn thành USS Zumwalt, các chuyên gia, kỹ sư và công nhân ở xưởng Bath Iron Works vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Hiện họ đang bận rộn đóng con tàu thứ hai cùng lớp mang tên Michael Monsoor, dự kiến được làm lễ hạ thủy vào tháng 6.2016, đồng thời chuẩn bị triển khai đóng tàu thứ ba Lyndon B.Johnson. Tờ Daily Mail dẫn lời ông Jay Wadleigh, đại diện xưởng Bath Iron Works, cho hay thành quả với con tàu đầu tiên khiến tất cả đều tin tưởng vào thành công của cả dự án.
Theo tờ Stars and Stripes, khu trục hạm USS Zumwalt được thiết kế nhằm thay thế các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke hiện tại của hải quân Mỹ. Chi phí cho 3 tàu lớp Zumwalt ước tính khoảng 12,3 tỉ USD, cao hơn 37% so với con số 8,9 tỉ USD dự kiến ban đầu. Tính tổng chi phí, bao gồm cả tiền nghiên cứu phát triển, dự án này được cho là “ngốn” hết 22 tỉ USD.
|
Bình luận (0)