Theo giới quan sát và nhiều nguồn tin, mọi thành viên dòng họ Shinawatra muốn bước vào chính trường đều cần có sự ủng hộ của ông Thaksin, người tuy đang lưu vong ở nước ngoài nhưng được cho là vẫn còn sức ảnh hưởng rất lớn. Cựu thủ tướng được dự đoán có thể sẽ tiếp tục vun đắp cho con trai hoặc một trong số em gái của mình ngoài bà Yingluck để trở thành gương mặt chính trị mới cho gia tộc.
tin liên quan
Sóng gió gia tộc ShinawatraSự biến mất bí ẩn của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đánh dấu
biến cố mới nhất đối với một trong những gia tộc nổi bật của Thái Lan
thời hiện đại.
Panthongtae Shinawatra, 37 tuổi và chào đời ở Mỹ, là con trai duy nhất của ông Thaksin. Ngay từ đầu, cựu thủ tướng lưu vong đã thể hiện ý định hướng con vào chính trường khi không giao cho Panthongtae điều hành bất kỳ công ty nào trong đế chế kinh doanh của mình, mà thay bằng việc phụ trách hoạt động truyền thông đối ngoại của một số tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm cả đảng Pheu Thai. Panthongtae còn nhận vị trí quản lý kênh truyền hình Voice TV, vốn bị chính phủ hiện nay coi là “nhân tố gây bất ổn”. Tuy nhiên, được kỳ vọng nhiều nhưng Panthongtae vẫn chưa thể hiện phong thái và bản lĩnh của một chính trị gia. Thay vào đó, tên ông thường xuất hiện trong những vụ bê bối tình ái với người mẫu, diễn viên…
Vì thế, lựa chọn còn lại của ông Thaksin có thể nằm trong những người em gái của mình. Hồi tháng 7, từng rộ tin bà Monthathip Kovitcharoenkul, nhũ danh Yaowaman Shinawatra, sẽ nắm ghế chủ tịch đảng Pheu Thai để tiến tới tranh cử thủ tướng vào năm 2018. Tuy nhiên, bản thân bà Monthathip, một doanh nhân hoạt động trong ngành viễn thông, nhiều lần tuyên bố không quan tâm chính trị và khẳng định sẽ không tham gia tranh cử như những lời đồn đoán.
|
Theo các chuyên gia, gương mặt sáng giá nhất hiện nay của gia tộc Shinawatra, con chủ bài thực sự của ông Thaksin, là người em gái Yaowapha, vợ của cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat. Người phụ nữ 62 tuổi này được đánh giá là một chính trị gia thực thụ, am hiểu các ngõ ngách chính trường Thái không kém anh trai. Bà từng giữ vị trí nghị sĩ quốc hội đại diện Chiang Mai, và theo nhiều nguồn tin, nếu không dính lệnh cấm năm 2008, chính bà mới là thủ tướng thứ 28 của Thái Lan chứ không phải bà Yingluck. Khi đó, đảng Thai Rak Thai (tiền thân của đảng Pheu Thai) bị ra lệnh giải tán vì cáo buộc gian lận bầu cử và nhiều lãnh đạo đảng, bao gồm Yaowapha bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Sau khi lệnh cấm hết hạn, bà tiếp tục ra tranh cử ghế nghị sĩ Chiang Mai năm 2013 và lại chiến thắng vang dội. Không giữ vị trí quan trọng nào trong nội các của ông Thaksin lẫn bà Yingluck trước đây, nhưng bà Yaowapha được cho là có tiếng nói rất lớn trong đảng Pheu Thai. Thậm chí từng xuất hiện tin đồn bà là người “điều hành phía sau”, nắm quyền sắp xếp nhân sự trong chính phủ của người em gái Yingluck.
tin liên quan
Sóng gió gia tộc Shinawatra: 3 thủ tướng, 1 số phậnCả 3 vị thủ tướng của dòng họ Shinawatra đều kết thúc sự nghiệp trong sóng gió với những án tù treo lơ lửng.
Theo truyền thông Thái Lan, vụ xét xử nhằm vào bà Yingluck cũng như sự biến mất bí ẩn của cựu thủ tướng vẫn không làm lung lay những người ủng hộ đảng Pheu Thai và gia tộc Shinawatra, đặc biệt tại vùng đông bắc Thái Lan. Bước đi sắp tới của đảng này là lựa chọn chủ tịch để đại diện tranh cử vào năm sau. Trong đó, một trong những gương mặt nhiều triển vọng nhất hiện nay chính là ông Somchai Wongsawat, người vừa được tuyên vô tội hồi đầu tháng 8 về cuộc trấn áp của chính quyền đối với cuộc đại biểu tình năm 2008. Một số ý kiến cho rằng ông Somchai, người cầm quyền từ tháng 9 - 12.2008, thực chất chỉ mang vai trò “biểu tượng”, còn ứng viên thật sự chính là vợ ông. Một trong những thế mạnh lâu nay của bà Yaowapha là ít khi xuất hiện rầm rộ, công khai nên không trở thành đích nhắm của phe chống đối nhà Shinawatra. Vì thế, lần này, có thể bà sẽ tiếp tục hoạt động trong hậu trường để có thể vừa tiếp tục con đường của gia tộc vừa tránh được vết xe đổ của anh trai, chồng và em gái.
Bình luận (0)