Sóng gió Rio Tinto

13/07/2009 00:14 GMT+7

Sự kiện công an Thượng Hải (Trung Quốc) bắt 4 nhân viên của tập đoàn Rio Tinto đang trở thành câu chuyện thời sự nóng bỏng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Úc.

Trong những ngày qua, giới lãnh đạo Úc đã không ngừng bày tỏ lo ngại và đưa ra cảnh báo về tác động của vụ 4 nhân viên tập đoàn Rio Tinto, trong đó có công dân Úc Stern Hu, bị nhà chức trách Trung Quốc bắt về tội làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia.

"Trung Quốc cần phải cân nhắc rất thận trọng về thông điệp, nếu có, trong vụ này đối với cộng đồng doanh nghiệp thế giới và cách nhìn nhận của cộng đồng thế giới đối với Trung Quốc", hãng tin AAP hôm qua dẫn lời Ngoại trưởng Úc Stephen Smith.

"Gián điệp"

Rio Tinto là tập đoàn khai thác mỏ hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh) và Melbourne (Úc). Tập đoàn này là nhà cung cấp quặng sắt lớn cho Trung Quốc và có văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Vào tháng trước, Rio Tinto từ chối khoản đầu tư 19,5 tỉ USD, tương đương 19% cổ phần, từ Công ty Chinalco của Trung Quốc và quay sang liên doanh với BHP Billiton. Sự đổ vỡ trên xuất phát từ việc Rio Tinto không muốn có người của Chinalco trong ban điều hành, nhưng có thể còn nhiều nguyên nhân khác.

Rồi đến ngày 7.7, công an Trung Quốc đã bắt giữ Stern Hu, Giám đốc văn phòng của Rio Tinto tại Thượng Hải, cùng 3 nhân viên khác của tập đoàn này. Tân Hoa xã dẫn lời giới hữu trách cho hay ông Hu, một công dân Úc gốc Trung Quốc, đã bị bắt về tội "làm gián điệp và ăn cắp bí mật quốc gia". Những người còn lại, mang quốc tịch Trung Quốc, cũng bị bắt với cáo buộc tương tự.

Tới hôm 9.7, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Tần Cương cho hay vụ việc "đang được điều tra". Ông Tần nói rằng hoạt động của các nghi phạm đã gây tổn thất lớn cho lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ xử lý theo luật pháp. Đây là một vụ việc đơn lẻ và không nên thổi phồng lên cũng như chính trị hóa vấn đề", Tân Hoa xã dẫn lời ông Tần.

Báo China Daily dẫn thông tin từ công an Thượng Hải cho hay trong các cuộc đàm phán về giá quặng sắt giữa Trung Quốc với các tập đoàn Rio Tinto, Vale (Brazil) và BHP Billiton (Úc) hồi đầu năm nay, Hu và 3 nhân viên của Rio Tinto đã hối lộ người trong cuộc tại các nhà sản xuất thép Trung Quốc để đổi lấy bí mật quốc gia. Tuy nhiên, họ không nói rõ việc làm của ông Hu và đồng sự gây ảnh hưởng gì tới đàm phán cũng như các bí mật quốc gia đó là gì.

Báo điện tử Thế kỷ 21 có trụ sở ở Quảng Đông thì dẫn một nguồn tin nặc danh có quan hệ gần gũi với vụ việc cho hay ông Hu từng đi lại với một nhân vật cấp cao của tập đoàn Thủ Cương, nhà sản xuất thép lớn thứ 6 tại Trung Quốc. Nhân vật này đứng đầu hoạt động xuất nhập khẩu quặng sắt của Thủ Cương và đã bị bắt vào ngày 7.7 với các tội danh kinh tế. Theo Thế kỷ 21 thì ông Hu đã nhiều lần đến trụ sở Thủ Cương để trao đổi về giá quặng sắt. Nhưng đến nay thì Thủ Cương vẫn phủ nhận mọi mối liên hệ với vụ bắt giữ tại Rio Tinto.

Báo China Daily còn cho hay hồi cuối năm ngoái, Rio Tinto với đại diện Stern Hu đã ký hợp đồng 10 năm với Công ty sắt thép Bình Hương ở Giang Tây. Ông Hu còn dàn xếp các thỏa thuận tương tự với một số nhà sản xuất thép vừa và nhỏ ở Sơn Tây và Hà Bắc. Các bước đi của Rio Tinto bị Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc phản đối bởi nó ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán giá quặng sắt. Hơn nữa, tại Trung Quốc, doanh nghiệp sản xuất thép không được ký kết hợp đồng mua quặng sắt dài hạn với nhà sản xuất nước ngoài nếu không có sự cho phép của nhà nước.

Có thể Hu, các đồng sự của ông ta và nhân vật cấp cao của tập đoàn Thủ Cương bị bắt liên quan đến những điều trên. Nguồn tin của báo mạng Thế kỷ 21 cho rằng các vụ bắt giữ này là sự khởi đầu của một chiến dịch nhằm tái lập lại kỷ cương trong thị trường quặng sắt ở Trung Quốc.

Căng thẳng

Đại diện Rio Tinto tại Úc nói rằng các cáo buộc nhằm vào những người bị bắt là vô căn cứ, theo báo The Age hôm 11.7. Giới lãnh đạo chính quyền tại Úc cũng đặc biệt quan ngại đối với vụ bắt giữ.

Ngoại trưởng Smith hôm 12.7 nói: "Tôi không thấy điều gì có thể khiến tôi tin hoặc có kết luận rằng vụ việc liên quan tới ông Hu lại có quan hệ với hoạt động thương mại của Rio Tinto". Theo hãng tin ABC, vào hôm 10.7, Bộ trưởng Thương mại Simon Crean đang ở thăm Trung Quốc cũng bày tỏ sự "lo ngại về sức khỏe của ông Hu", và rằng "chúng tôi đã tiếp cận vấn đề này ở cấp độ chính phủ". Bộ trưởng Thương mại Chris Bowen vào hôm 11.7 đã cảnh báo các quan chức Trung Quốc cần hiểu việc bắt giữ nhân viên Rio Tinto có thể khiến doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc cẩn trọng hơn trước khi làm ăn ở quốc gia đông dân nhất thế giới, theo Reuters.

Ngay từ đầu, ông Tần Cương ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng "không nên thổi phồng lên cũng như chính trị hóa vấn đề", nhưng thực tế thì vụ bắt giữ này đã trở thành một câu chuyện thời sự nóng bỏng, với sự lên tiếng của nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Úc. Và phe đối lập tại Úc cũng đã không bỏ lỡ cơ hội để tấn công chính phủ của Thủ tướng Kevin Rudd cũng như liên hệ chuyện nhân viên Rio Tinto bị bắt với các vấn đề chính trị.

Phát biểu với hãng tin ABC hôm 12.7, phát ngôn viên phe đối lập Julie Bishop nói rằng Sách trắng về quốc phòng mà Chính phủ Úc công bố mới đây, trong đó có đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như nhấn mạnh việc hiện đại hóa hải quân, đã khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại. Ông Bishop còn cho rằng những phát biểu của Thủ tướng Rudd về vấn đề Tây Tạng đã chọc giận Trung Quốc.

Lãnh đạo phe đối lập Malcolm Turnbull nhận xét vụ bắt giữ ông Hu đã cho thấy vết rạn trong quan hệ Bắc Kinh - Canberra.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.