Tấn công mạng đòi tiền chuộc toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng

13/05/2017 07:03 GMT+7

Việt Nam và hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ đang hứng chịu cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử.

Vụ tấn công mạng sử dụng ransomware (mã độc dùng tống tiền nạn nhân) nhắm vào nhiều quốc gia trên thế giới đang gây ra nhiều hậu quả khó lường. Khi ransomware nhiễm vào các máy tính hay hệ thống máy tính, các tin tặc sẽ khóa các file, tài liệu, yêu cầu nạn nhân phải trả bằng tiền ảo bitcoin. Tin tặc còn dọa sẽ rò rỉ hoặc xóa tài liệu nếu nạn nhân không trả tiền.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết hàng chục quốc gia trên thế giới bị tấn công mạng bằng ransomware, bao gồm cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) và Tập đoàn FedEx (Mỹ), theo AFP.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố đã nắm thông tin về vụ các máy tính bị nhiễm ransomware ở một số quốc gia khắp thế giới. "Chúng tôi phát hiện trên 75.000 vụ bị nhiễm ransomware tại 99 quốc gia", chuyên gia Jakub Kroustek thuộc hãng an ninh mạng Avast cho hay. Nhà nghiên cứu Costin Raiu thuộc hãng an ninh mạng Kaspersky phát hiện 45.000 đợt tấn công bằng ransomware tại 74 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Các chuyên gia đặt tên ransomware nói trên là WCry và WannaCry và cho rằng công cụ này phát xuất từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Các hồ sơ mật của NSA bị rò rỉ ra ngoài có chứa đựng thông tin về ransomware này.
Hãng an ninh mạng Forcepoint Security Labs cho biết đây là một đợt tấn công cấy ransomware vào trong email ảnh hưởng đến các tổ chức ở Úc, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Anh và Mexico. Thậm chí, ransomware lây lan nhanh chóng từ máy tính này sang máy tính khác mà không cần phải nhận email chứa mã độc.
Tống tiền ảo
Ít nhất 16 tổ chức thuộc NHS, một số quản lý các bệnh viện, trở thành mục tiêu tấn công. Thủ tướng Anh Theresa May xác nhận thông tin này và khẳng định đây là một vụ tấn công mạng quốc tế.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy màn hình máy tính của NHS xuất hiện bức ảnh yêu cầu trả 300 USD (274 euro) tiền bitcoin với dòng chữ: "Ồ, tài liệu của bạn đã bị mã hóa!". Tin tặc dọa nếu nạn nhân không thanh toán trong vòng 3 ngày thì giá tăng gấp đôi và trong 7 ngày vẫn không trả tiền thì tài liệu trong máy tính sẽ bị xóa sạch.
Hệ thống máy tính của một số bệnh viện thuộc NHS bị tê liệt. "Ransomware trở nên nguy hiểm khi nhiễm vào máy tính các tổ chức như bệnh viện, đe dọa tính mạng con người", ông Kroustek cảnh báo.
Theo Kaspersky, nhóm tin tặc tự xưng Shadow Brokers từng tung ra ransomware hồi tháng 4, khẳng định là nhờ vào công nghệ của NSA.
Mặc dù Microsoft đã đưa ra gói cập nhật đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống Windows hồi đầu năm nay để chống ransomware, nhưng các chuyên gia cảnh báo nhiều máy tính vẫn chưa được cập nhật.
Hồi tháng 2.2016, một bệnh viện ở thành phố Los Angeles từng đồng ý chi 17.000 USD chuyển thành bitcoin cho bọn tin tặc kiểm soát hệ thống máy tính của bệnh viện hơn một tuần.
Vụ việc xảy ra giữa lúc châu Âu đối mặt với làn sóng tấn công mạng trong các cuộc bầu cử, gần đây là bầu cử Tổng thống Pháp. Các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng này. Điện Kremlin luôn bác bỏ cáo buộc này. Bộ Nội vụ Nga ngày 12.5 thông báo khoảng 1.000 máy tính của bộ này bị tấn công mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.