Thế giới tài chính Hồi giáo

12/05/2009 22:51 GMT+7

Người Hồi giáo tin rằng hệ thống tài chính đặc thù của họ "miễn nhiễm" trước cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Tiến sĩ Abbas Mirakhor, cựu giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nói rằng kinh tế học Hồi giáo nói chung dựa trên những lời giáo huấn của Thượng đế được truyền lại cách đây 4.000 năm. Hãng tin BBC dẫn lời ông Mirakhor rằng "có một sự ý thức về đấng tạo hóa tối cao và một hệ thống mà ngài đã cung cấp", và điều này đã góp phần tạo nên "sự khác biệt" giữa Hồi giáo với phương Tây, đặc biệt trong hoạt động tài chính.

Không lãi suất

Điểm khác biệt đáng kể nhất chính là việc trong thế giới Hồi giáo, hành động cho vay lấy lãi bị nghiêm cấm. "Chúng tôi không công nhận khái niệm lãi suất nhằm tìm kiếm lợi nhuận nào đó từ việc kinh doanh tiền tệ", tiến sĩ Bambang Brodjonegoro, thuộc Ngân hàng Phát triển Hồi giáo có trụ sở tại Jeddah (Ả Rập Xê Út), nói với hãng tin BBC. Theo chuyên gia này, trong quan niệm của người Hồi giáo, tiền được sử dụng cho mục đích trao đổi và tích lũy tài sản, không phải cho hoạt động giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận quá mức.

Vậy làm thế nào một ngân hàng Hồi giáo, cũng như khách hàng gửi tiền vào ngân hàng đó, có được lợi nhuận? Trong lĩnh vực ngân hàng của thế giới Hồi giáo, chỉ có khái niệm người mua và người bán chứ không có người đi vay và người cho vay. Chẳng hạn, tại Los Angeles (Mỹ), một khách hàng muốn có tiền mua xe hơi thường đến ngân hàng để vay. Sau khi ngân hàng cấp khoản vay, người này mang tiền đi mua xe và trả nợ ngân hàng dần dần, kèm theo một mức lãi suất nào đó. Nhưng tại Lahore (Pakistan) thì lại khác, khách hàng có thể đến một ngân hàng Hồi giáo và ký hợp đồng mua xe với chính ngân hàng này. Ngân hàng không cho vay tiền để lấy lãi mà đi mua xe và bán lại cho người kia cộng với một phần lời. Người kia thanh toán tiền mua xe dưới hình thức trả góp. Tương tự, trong hoạt động tài trợ mua nhà, một ngân hàng Hồi giáo và khách hàng sẽ cùng mua nhà với tư cách là các nhà "đồng đầu tư". Nếu như các ngân hàng thế chấp thông thường kiếm lợi từ lãi suất, các công ty tài chính Hồi giáo kiếm lợi nhuận từ các thỏa thuận đồng sở hữu mà theo đó, khách hàng trả tiền thuê nhà theo tỷ lệ vốn đầu tư của công ty. Khi khách hàng hoàn toàn làm chủ ngôi nhà, việc trả tiền thuê nhà sẽ chấm dứt, theo báo Middle East Online. Như vậy, về bản chất, các ngân hàng trong thế giới Hồi giáo vẫn thu được lợi nhuận từ khách hàng, tương tự như phần còn lại của thế giới, chỉ khác nhau về cách thức.

Một trong những nguyên tắc chủ đạo của kinh tế Hồi giáo là chia sẻ rủi ro. Ngân hàng hoặc công ty tài chính và người bỏ tiền vào đó cùng chia sẻ lợi nhuận, cũng như tổn thất, từ các hoạt động đầu tư. Quan hệ bình đẳng này là một đặc điểm tạo khác biệt cho hệ thống tài chính Hồi giáo.

Đứng ngoài cuộc khủng hoảng...

Theo hãng thông tấn Bernama, phát biểu tại một hội nghị về tài chính của Malaysia tại Kuala Lumpur hôm 11.5, Phó chủ tịch Ngân hàng HSBC Malaysia Irene M.Dorner nói rằng tài chính Hồi giáo có thể là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay nhưng tiềm năng của nó vẫn chưa được khai thác hết. Tài chính Hồi giáo hiện vẫn an toàn trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do bị cấm mua bán nợ xấu theo Luật Shariah, luật của người Hồi giáo. Các ngân hàng Hồi giáo cũng không dựa vào trái phiếu hay cổ phiếu như những ngân hàng Mỹ và châu u.

Giá trị tài sản dầu mỏ tăng cao và sáng kiến của các chính phủ đã biến ngân hàng và cả bảo hiểm Hồi giáo thành ngành có tài sản trị giá 1.000 tỉ USD trên toàn cầu, theo hãng tin Bloomberg. London đang nổi lên như một trung tâm tài chính Hồi giáo lớn. Các sản phẩm tài chính Hồi giáo cũng đang được những người "ngoại đạo" sử dụng ở Malaysia. Nước này đang khuyến khích các đại gia ngân hàng nước ngoài tham gia đầu tư và mở rộng hoạt động tài chính Hồi giáo. Các nước và vùng lãnh thổ châu Á từ Singapore đến Hồng Kông đang ban hành các quy định ưu đãi cho các sản phẩm tài chính tuân thủ luật Hồi giáo. Các chi nhánh cung cấp hoạt động tài chính kiểu Hồi giáo của các đại gia ngân hàng như HSBC và Citigroup hiện đang ăn nên làm ra.

...nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo hệ thống ngân hàng Hồi giáo đang tăng trưởng 10-15%/năm. Nhưng nhiều chuyên gia tài chính và luật sư nói rằng hệ thống này còn thiếu một khuôn khổ quy định và pháp lý chặt chẽ. Các thẩm phán sẽ phải cân nhắc luật lệ bình thường hay luật Shariah được sử dụng trong các hợp đồng, và sự thiếu chắc chắn về mặt pháp lý đối với các điều khoản hợp đồng then chốt có thể ảnh hưởng đến các hoạt động tài chính Hồi giáo. Do sức hút của tài sản dầu mỏ, các ngân hàng Hồi giáo đã sáng tạo trên cơ sở mô hình cơ bản, vươn ra khỏi những hợp đồng chia sẻ rủi ro để tham gia vào các hoạt động kinh doanh khiến các tòa án khó xử lý hơn.

Theo giới chuyên môn, để tận dụng thời cơ phát triển, những vấn đề cần giải quyết đối với hệ thống tài chính Hồi giáo chính là củng cố các quy định, luật lệ, tăng cường đội ngũ chuyên môn, đa dạng hóa sản phẩm nhưng phải tìm cách tránh sa vào hoạt động rủi ro như các tổ chức tài chính phương Tây.                  

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.