Thế giới tranh luận về quyền được chết - Kỳ 2: Sao cô còn ngồi đó mà sống?

26/04/2015 07:27 GMT+7

(TNO) Một khi quyền được chết được hợp pháp hóa, những người bệnh liệt giường, người khuyết tật có thể sẽ chịu sức ép phải tự tử.

(TNO) Một khi quyền được chết được hợp pháp hóa, những người bệnh liệt giường, người khuyết tật có thể sẽ chịu sức ép phải tự tử.
Nhiều phong trào hỗ trợ người khuyết tật đang đấu tranh để loại bỏ quyền được chết - Ảnh: Shutterstock
Áp lực tự tử
Dưới con mắt của nhiều người bình thường, một trong những đối tượng quan trọng được “hưởng lợi” nhiều nhất một khi quyền được chết được thông qua chính là những người khuyết tật nặng đang phải chịu đựng cuộc sống này. Chưa chắc!

Tôi e rằng nếu hỗ trợ tự tử được hợp pháp hóa, người ta sẽ nhìn tôi chòng chọc với câu hỏi sao cô còn ngồi đó mà sống, sao cô không chết đi?

Pam Franklin

Pam Franklin mắc thần kinh vận động (MND), một chứng bệnh khiến cô bị liệt, không thể nuốt, không thể nói. Cô chỉ có thể giao tiếp nhờ công nghệ, khi cử động mắt của cô được dịch thành ngôn ngữ. Cuộc sống của cô khó khăn muôn bề, chưa kể đau đớn và chịu đựng mỗi ngày. Và cô là người tích cực đấu tranh để đất nước cô sống – nước Anh – loại bỏ hoàn toàn các dự luật liên quan đến quyền được sống, hỗ trợ tự tử đã rộ lên mạnh mẽ suốt nhiều năm qua.
Hay một người khuyết tật nặng phải ngồi xe lăn khác ở Anh là Baroness Campbell đã sáng lập ra Not Dead Yet UK, một mạng lưới người khuyết tật chống lại việc hợp pháp hóa giết người khuyết tật. Hãng truyền thông BBC dẫn lời cô: “Nhiều người muốn thay đổi luật về hỗ trợ tự tử, cho rằng điều này mở rộng quyền lựa chọn, cho phép những người đau bệnh kinh niên và người khuyết tật 'quyền' được tự tử cũng giống như những người bình thường khác. Khi một người đang tìm cách tự tử, chúng ta không giúp họ làm điều đó. Chúng ta giúp họ nhìn cuộc đời tích cực hơn. Tôi tin rằng người đau bệnh và người khuyết tật xứng đáng được ‘quyền’ đó, được tất cả chúng ta hỗ trợ để sống cuộc sống của họ”.
Nếu quyền được chết là hợp pháp, bên cạnh cứu người, bác sĩ sẽ có thêm một nhiệm vụ khác - Ảnh: Shutterstock
Campbell cho rằng nếu được thông qua, quyền được chết là “lời mời” người ta tự tử thay vì nỗ lực vượt qua khó khăn. Nguy hiểm hơn, những người bị xem là gánh nặng – người khuyết tật, người bệnh liệt giường – sẽ luôn bị sức ép phải tự tử để giải thoát cho người thân, xã hội, nhất là trong những môi trường không thuận lợi, chẳng hạn kinh tế khó khăn.
Shopping bác sĩ
Nhầm lẫn trong chẩn đoán và tiên lượng – “chuyện thường ngày ở huyện” trong thế giới y khoa – là một lo ngại khác.
Thông thường, ở hầu hết những nơi mà quyền được chết đã được hợp pháp hóa, một trong những điều kiện bắt buộc để được hỗ trợ tự tử là bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối, thường là được bác sĩ tiên lượng chỉ còn tối đa 6 tháng để sống. Nhưng chẳng ai dám đảm bảo là những tiên lượng như thế này luôn đúng. Như trong trường hợp của cô Franklin mắc thần kinh vận động kể trên, hầu hết bệnh nhân chết rất nhanh, còn cô vẫn cứ sống 20 năm sau khi được chẩn đoán bệnh.
Quan hệ giữa bác sĩ  và bệnh nhân sẽ thay đổi đáng kể - Ảnh: Shutterstock
Quay sang Mỹ, tờ USA Today dẫn lời Marilyn Golden, một người đấu tranh cho quyền lợi người khuyết tật: “Sẽ là một sự kết hợp chết người nếu anh đem hệ thống y khoa vỡ vụn, bị dẫn dắt bởi lợi nhuận của chúng ta mà kết hợp với việc hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử”.
Ông phân tích tình trạng lợi dụng luật để đẩy nhanh giết chết người già, người bệnh để thừa kế sẽ dễ xảy ra. “Hỗ trợ tự tử sẽ tự động trở thành giải pháp rẻ nhất. Bệnh nhân bị hướng tới chuyện phải đẩy nhanh cái chết”, Golden nói.
Golden cũng vẽ ra viễn cảnh về tình trạng “shopping bác sĩ”, khi một bệnh nhân không được bác sĩ này chứng nhận đủ điều kiện để nhận quyền được chết sẽ đi tìm bác sĩ khác. Rõ ràng tiên lượng là bệnh tình có thể cải thiện hay không, bệnh nhân còn sống được bao lâu sẽ dễ khác biệt, có khi trái ngược hoàn toàn giữa các bác sĩ.
Nhiều hệ lụy nguy hiểm khác cũng có thể sẽ bị kéo theo nếu hợp pháp hóa quyền được chết, chẳng hạn nó sẽ làm giảm thiểu nghiên cứu về các phương pháp giảm nhẹ sự đau đớn trên bệnh nhân nan y, nghiên cứu chữa trị các bệnh nan y.
Quyền được chết có thể là sự vi phạm nghiêm trọng nhất chuẩn mực y đức truyền thống - Ảnh: Shutterstock
Ngoài ra, hợp pháp hóa quyền được chết cũng có thể là sự vi phạm nghiêm trọng nhất đối với y đức. Trong văn bản về Chuẩn mực đạo đức y khoa quốc tế viết rất rõ: “Một bác sĩ phải luôn xác định rõ trong đầu trách nhiệm tôn trọng sự sống con người”. Quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, niềm tin của bệnh nhân vào bác sĩ cũng có thể sẽ thay đổi đáng kể. Một người mắc bệnh nặng, bệnh khó chữa sẽ dễ mất niềm tin vào bác sĩ, nghĩ rằng bác sĩ sẽ chọn giải pháp “giết quách họ cho xong” hơn là vất vả nghiên cứu cách điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.