Thổ Nhĩ Kỳ giải tán đội cận vệ của tổng thống

25/07/2016 19:58 GMT+7

Giữa làn sóng bắt bớ, cấm đoán lan rộng sau cuộc đảo chính hụt, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố giải tán luôn đội cận vệ tinh túy chuyên bảo vệ tổng thống.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Binali Yildirim ngày 24.7 giải thích rằng một số binh sĩ chiếm đài truyền hình nhà nước TRT trong khi xảy ra âm mưu đảo chính trực thuộc đội cận vệ tổng thống.
Thông tấn xã Anadolu dẫn lời ông Yildirim phát biểu: "Chúng tôi đã quyết định sẽ không còn một đơn vị cận vệ nào ở tòa dinh thự này nữa".
Dẫu thông tin giải tán đội cận vệ tổng thống khiến nhiều người phải kinh ngạc nhưng đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong làn sóng bắt bớ, cấm đoán, sa thải hàng loạt đến khó tin ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất thành.
Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành lệnh bắt giữ 42 nhà báo, CNN-Turk ngày 25.7 đưa tin.
Trước đó, chính quyền đã sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 50.000 người làm việc trong đủ các lĩnh vực khác nhau, từ thẩm phán, hiệu trưởng, cảnh sát đến nhà báo. Hơn 9.000 binh sĩ cũng bị bắt sau cuộc đảo chính hụt nhưng 1.200 người đã được thả hồi cuối tuần qua.
Theo một sắc lệnh của tổng thống ban hành sau đảo chính, cảnh sát có thể bắt giữ nghi can trong 30 ngày mà không cần truy tố và chính phủ có thể nghe tất cả các cuộc nói chuyện giữa nghi can với luật sư.
Cuộc tuần hành là một động thái bày tỏ sự đoàn kết hiếm hoi giữa các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ. Reuters
Phản ứng của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính hụt đang làm rạn nứt quan hệ của nước này với các đồng minh. Trong một diễn biến mới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 25.7 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) - tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gia nhập - chẳng có quyền gì mà đặt điều kiện với nước này liên quan đến án tử hình. Sputnik dẫn lời ông Cavusoglu: "Liên minh châu Âu chẳng phải là ông chủ của Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi sẽ không chấp nhận các lời đe dọa hoặc cái kiểu từ trên ngó xuống. Nếu EU có bất kỳ thắc mắc gì, chúng tôi sẵn sàng thảo luận".
Ngay trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker nói với kênh truyền hình France 2 rằng: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mà áp dụng án tử hình trở lại, chúng tôi sẽ lập tức chấm dứt quá trình thương lượng (về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU)". Khôi phục án tử hình là điều được đề cập tới nhiều ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính hụt hôm 15.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.