Thủ tướng Abe: Khó có chuyện quân đội Nhật quét thủy lôi ở Biển Đông

29/05/2015 15:58 GMT+7

(TNO) Khó có khả năng Nhật Bản triển khai các đơn vị Lực lượng phòng vệ (SDF) đến thực hiện việc quét thủy lôi ở Biển Đông.

(TNO) Khó có khả năng Nhật Bản triển khai các đơn vị Lực lượng phòng vệ (SDF) đến thực hiện việc quét thủy lôi ở Biển Đông.

Thủ tướng Nhật: Khả năng SDF quét thủy lôi ở Biển Đông thấpTàu chiến Nhật Bản và Mỹ trong một cuộc tập trận quét thủy lôi
- Ảnh: Chụp từ website của tờ Asahi Shimbun
Đó là phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp của một ủy ban đặc biệt thuộc Hạ viện nước này ngày 28.5, theo hãng tin Jiji Press. Cuộc họp bàn về các dự luật an ninh được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn.
Cụ thể, khi được một nghị sĩ đảng đối lập chính DPJ ở Nhật Bản hỏi về khả năng ứng phó của chính phủ đối với thủy lôi trong một tuyến hàng hải ở Biển Đông, ông Abe trả lời: “Có thể có nhiều tuyến thay thế ở Biển Đông. Tình huống duy nhất mà tôi nghĩ tới (để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực hiện sứ mệnh quét thủy lôi) là eo biển Hormuz bị phong tỏa. Khoảng 80% lượng dầu của Nhật Bản đi qua eo biển đó”.
Ông Abe thừa nhận việc triển khai binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ra nước ngoài để tham chiến hiện bị Hiến pháp Nhật Bản cấm.
Thông qua các dự luật an ninh mới, chính quyền Thủ tướng Abe muốn Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có quyền thực hiện sứ mệnh quét thủy lôi ở vùng biển xa như là trường hợp ngoại lệ đối với hiến pháp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp nói trên, ông Abe thừa nhận khó thực hiện việc quét thủy lôi trong một khu vực đang có chiến tranh và cho rằng việc này chỉ có thể được tiến hành tại khu vực ít nhất đang trong tình trạng ngừng bắn.
Tuy khả năng SDF được triển khai quét mìn ở Biển Đông không cao, nhưng lực lượng này vẫn có thể tiến hành tuần tra, giám sát ở khu vực. Ngày 29.5, tờ Asahi Shimbun loan tin Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cho có thể bắt đầu hoạt động giám sát và cảnh báo ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tăng tốc hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp tại nhiều bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.