Thụy Sĩ với nỗ lực “xuyên thủng” núi Alps

25/06/2007 22:41 GMT+7

Dự án đường hầm xe lửa dài nhất thế giới trị giá hàng chục tỉ USD xuyên qua dãy núi Alps của Thụy Sĩ đã làm thế giới kinh ngạc. Tuần rồi, Thụy Sĩ đã khai trương một phần đường hầm trong hệ thống siêu địa đạo này sau 8 năm xây dựng.

Niềm tự hào Loetschberg

Với chiều dài 34,6 km, Loetschberg đã lập kỷ lục thế giới mới về đường hầm xe lửa trên bộ khi vượt qua kỷ lục của đường hầm Hakkoda của Nhật Bản, dài 26,5 km. Nếu đem so với các đường hầm dưới biển, Loetschberg là đường hầm dài thứ 3 thế giới, sau đường hầm Seikan (dài 53,8 km) của Nhật Bản và đường hầm dài 50,4 km nối Anh và Pháp. Chi phí cho việc xây dựng Loetschberg lên đến 3,5 tỉ USD.

Theo Hãng tin AP, đường hầm Loetschberg giúp rút ngắn thời gian đi lại từ Đức qua Ýá từ 3,5 giờ xuống chỉ còn dưới 2 giờ. Với Loetschberg, mọi người có thể đến các khu trượt tuyết ở Thụy Sĩ nhanh hơn. Thời gian đi từ Bern - điểm tận cùng phía bắc của đường hầm, đến Visp - gần các khu trượt tuyết như Zermatt của Thụy Sĩ và Courmayeur của Ý ở phía nam đường hầm, sẽ giảm còn một nửa, từ 110 phút xuống còn 55 phút. Với đường hầm Loetschberg, tàu chở khách có thể chạy với tốc độ lên đến 250 km/giờ và 160 km/giờ đối với tàu chở hàng.

Nhà chức trách Thụy Sĩ đã khai trương đường hầm Loetschberg vào giữa tháng này nhưng phải tới tháng 12 thì các chuyến tàu mới bắt đầu hoạt động bình thường tại đây. Từ đó, Loetschberg sẽ đáp ứng 43 xe lửa chở khách và 72 xe lửa chở hàng mỗi ngày. Điều đặc biệt là trong suốt hành trình xuyên lòng đất này, hành khách vẫn có thể nghe điện thoại di động rõ ràng.

Nhanh hơn đi máy bay

Đường hầm Loetschberg là một phần của dự án hiện đại hóa hệ thống đường sắt với kinh phí khoảng 25,4 tỉ USD của xứ sở đồng hồ, bao gồm thêm một đường hầm xe lửa khác mang tên Gotthard. Khi được hoàn thành vào khoảng năm 2016, Gotthard sẽ trở thành đường hầm dài nhất thế giới với chiều dài 57 km. Đường hầm Gotthard sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Ý) từ 4 giờ xuống chỉ còn 2,5 giờ. Điều này sẽ giúp cuộc hành trình đi bằng xe lửa nhanh hơn đi máy bay.

Dự án kể trên của Thụy Sĩ là một trong số những công trình xây dựng công phu nhất thế giới. Hàng triệu tấn đá đã được di dời để phục vụ việc xây dựng. Hơn 2.000 người tham gia xây dựng với 24 giờ mỗi ngày trong suốt 365 ngày. Để đào hầm Loetschberg, khoảng 16 tấn chất nổ đã được sử dụng và lượng đá khai quật đủ để chất lên một xe lửa chở hàng dài... 4.000 km.

Để làm được như vậy, công nhân phải làm việc dưới hầm với nhiệt độ trung bình khoảng 30 độ C. Nếu gặp vùng đất thuận lợi, công nhân có thể đào tới 40m/ngày. Ngược lại, lúc gặp lớp đá mềm như bơ, việc đào hầm trở nên phức tạp hơn, các công nhân chỉ có thể đào được... nửa mét mỗi ngày. Ở những lúc như thế này, công việc bị trễ nải và chi phí phát sinh tăng cao. Ban đầu, kinh phí dự kiến cho việc xây đường hầm Gotthard vào khoảng 8 tỉ USD, nhưng sau đó người ta ước tính kinh phí có thể lên đến 15 tỉ USD.

Thụy Sĩ là một trong những đầu mối vận chuyển hàng hóa lớn của châu u, nơi lưu lượng phương tiện giao thông đã tăng lên hơn gấp 10 lần kể từ năm 1980. Hơn 4.000 xe tải chất đầy hàng hóa phải đi qua dãy Alps của Thụy Sĩ bằng đường bộ mỗi ngày, dẫn tới tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm không khí. "Việc giảm mỗi chiếc xe tải đi trên đường bộ sẽ giúp giảm khí thải CO2", Bộ trưởng Giao thông Thụy Sĩ M.Leuenberger cho biết. Chính vì vậy, Loetschberg và Gotthard được xem là giải pháp tối ưu cho các vấn đề kể trên.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.