Tiết lộ mới về vụ ám sát Tổng thống Đông Timor

17/02/2008 22:16 GMT+7

Chi tiết vụ ám sát hụt Tổng thống Jose Ramos-Horta của Đông Timor vừa được một vệ sĩ của ông - cũng chính là người bắn chết chỉ huy của quân nổi loạn - kể lại.

Sáng sớm ngày 11.2, một nhóm tay súng đi trên hai chiếc xe mang biển số của chính phủ tiến vào khu dinh thự của Tổng thống Jose Ramos-Horta ở thủ đô Dili. Vừa đến nơi, các tay súng nhảy xuống xe, bắt đầu xả súng, tràn vào tư dinh ông Ramos-Horta và hét lớn: "Kẻ phản bội! Kẻ phản bội!". Lúc này, vị tổng thống từng đoạt giải Nobel Hòa bình vừa trở về nhà sau buổi đi bộ lúc sáng sớm trên bãi biển. Ông từ chối lên một chiếc xe gần đó và bước qua đường để về nhà với sự hộ tống của 2 vệ sĩ được trang bị súng ngắn. Lúc 6 giờ 59 phút, một cuộc điện thoại khẩn cấp báo cho đồn cảnh sát gần đó về vụ nổ súng. Khoảng 15 phút sau, 2 đơn vị cảnh sát đến hiện trường. Quân đội Đông Timor cũng đến sau đó để bảo vệ ông Ramos-Horta.

Chi tiết vụ ám sát giờ đây đã được một vệ sĩ của ông Ramos-Horta kể lại với Hãng tin AP. Người này muốn giấu tên vì quá trình điều tra chưa kết thúc và bản thân anh  ta không được phép nói chuyện với báo giới. Đây cũng là người bắn chết Alfredo Reinado, một trong những chỉ huy của quân nổi loạn. "Tôi đã kêu lớn tên của Alfredo rồi bắn vào đầu hắn", vệ sĩ này kể, "Tôi đã bắn nhiều phát, tôi không nhớ là bao nhiêu phát". Tuy nhiên, những tay súng ở dưới con mương đã bắn vào ngực và dạ dày của tổng thống. Cuộc chạm súng diễn ra dữ dội trong vòng 30 phút trước khi ông Ramos-Horta ngã gục. "Alfredo Reinado là kẻ phản bội. Tôi muốn hạ gục hắn cùng những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ này", vệ sĩ trên nói tiếp. Khoảng một giờ sau, một cuộc tấn công riêng lẻ khác đã nhằm vào Thủ tướng Xanana Gusmao. Ông Gusmao thoát chết. Hai sự kiện trên đẩy đất nước Đông Timor vào một cuộc khủng hoảng mới. Hôm 14.2, các bác sĩ cho hay sức khỏe của ông Ramos-Horta đã ổn định và đang phục hồi. Ông đang được điều trị tại một bệnh viện ở Darwin (Úc).

Reinado, kẻ chủ mưu vụ ám sát, đã bị truy nã từ năm 2006 với các cáo buộc liên quan đến vụ bạo động cùng thời gian này. Khi đó, quân nổi loạn tràn qua các đường phố ở thủ đô Dili, cướp bóc, đốt phá, tấn công người dân bằng dao rựa. Cuộc nổi loạn của hơn 600 binh sĩ chống đối này đã khiến 37 người chết và 155.000 người mất nhà cửa. Hàng chục người hiện nay vẫn phải sống trong các lều trại bẩn thỉu.

Trong âm mưu ám sát nói trên, lực lượng ly khai đã vào thủ đô Dili bằng xe mang biển số chính phủ. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi rằng ai chịu trách nhiệm bảo vệ tổng thống và tại sao hơn 2.000 binh sĩ và cảnh sát nước ngoài không thể ngăn chặn vụ việc. Đại diện LHQ tại Đông Timor cho hay không có lực lượng quân đội nước ngoài hoặc cảnh sát LHQ can thiệp vào vụ tấn công bởi Tổng thống Ramos-Horta nói rằng ông chỉ muốn được bảo vệ bởi lực lượng an ninh Đông Timor. Bản thân ông Ramos-Horta tự hào tuyên bố rằng ông là con người của nhân dân và không bao giờ muốn hay cần được bảo vệ đặc biệt. Ông Ramos-Horta cũng từng tự hào kể chuyện tự mình lái xe vòng quanh thủ đô, ngày cũng như đêm, mà không cần có bảo vệ. Trong thời gian Đông Timor còn nằm trong Indonesia, ông Ramos-Horta là tiếng nói chính của Đông Timor với thế giới và đến khi tuyên bố độc lập năm 2002, ông đã trở thành ngoại trưởng đầu tiên của nước này.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở Đông Timor và kéo dài đến ngày 23.2 do lo ngại có thêm các bất ổn. Tang lễ cho các tay súng thiệt mạng trong vụ tấn công cũng đã được tổ chức hôm 14.2,  trong khi 18 nghi phạm khác đang bị truy nã. Sáng sớm ngày lễ Tình nhân, quân đội Úc, các sĩ quan cảnh sát của LHQ cùng trực thăng, xe bọc thép đã bắt đầu truy lùng các nghi phạm tại một khu rừng rậm ở ngoại vi thủ đô Dili. Tại đất nước nhỏ bé này, sự hiện diện của lực lượng quân đội nước ngoài như Úc, New Zealand giúp bảo đảm an ninh.

Hồi năm 2006, quân đội Úc cũng mở cuộc truy quét căn cứ của Reinado và tiêu diệt 5 đồng đảng của hắn. Trong khi đó, người dân ở phía tây Đông Timor coi Reinado là anh hùng bởi họ cho rằng chính phủ nước này phân biệt đối xử với họ. Khoảng 1.000 người đã tham dự lễ tang của Reinado tổ chức hôm 14.2. Tháng trước, thủ lĩnh quân nổi loạn này dọa sẽ đưa quân tràn vào thủ đô nếu chính phủ vẫn phớt lờ chuyện phục hồi quyền lợi cho những binh sĩ nổi dậy.

Việt Phương (Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.