Tiểu hành tinh khổng lồ mang theo mặt trăng tiến gần Trái đất

24/05/2019 19:30 GMT+7

Tiểu hành tinh 1999 KW4 dự kiến sẽ lướt qua địa cầu vào cuối tuần này, di chuyển với tốc độ khoảng 80.467 km/giờ, và kích thước khổng lồ cho phép nó mang theo mặt trăng riêng trong suốt hành trình, theo Đài NBC News.

Vào chiều tối 25.5 (giờ Mỹ), 1999 KW4 sẽ đến điểm gần nhất so với Trái đất ở khoảng cách trên dưới 5 triệu km. Đây là vị trí cho phép con người dùng kính viễn vọng quan sát tiểu hành tinh xuất hiện trên bầu trời đêm của địa cầu đến ngày 27.5.
Vì nó mang theo một mặt trăng lớn, 1999 KW4 được xếp vào hệ tiểu hành tinh đôi.
Dù bộ đôi này lọt vào danh sách các tiểu hành tinh có khả năng đe dọa Trái đất, các nhà khoa học cho rằng đến nay vẫn chưa phát hiện nguy cơ đến từ 1999 KW4, ít nhất là trong tương lai gần.
Giới thiên văn học sẽ nhân cơ hội 1999 KW4 áp sát địa cầu để quan sát và thu thập thông tin nhằm cải thiện năng lực phòng thủ của con người trước sự tấn công của các thiên thể ngoài Trái đất.
“Đây sẽ là một trong những lần hệ đôi đến gần Trái đất nhất trong thời gian qua”, theo nhà khoa học hành tinh Vishnu Reddy của Đại học Arizona ở Tucson (Mỹ).
1999 KW4 được phát hiện vào ngày 20.5.1999, nhờ vào công cụ tại cơ sở Nghiên cứu Các tiểu hành tinh gần Trái đất Lincoln (LINEAR) ở bang New Mexico.
Kết quả quan sát cho thấy phần lớn hơn của hệ đôi, gọi là Alpha, có bề ngang khoảng 1,3 km, trong khi mặt trăng Beta chỉ bằng 1/3 kích thước của nó và di chuyển quanh quỹ đạo ở khoảng cách 2,57 km.
Sau ngày 25.5, phải chờ đến năm 2036 1999 KW4 mới đến gần Trái đất như thế một lần nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.