Tin vui lớn cho nhà sáng lập WikiLeaks

04/06/2019 09:30 GMT+7

Tòa Thụy Điển hôm 3.6 bác yêu cầu của phía công tố viên nhằm bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange để phục vụ cuộc điều tra về cáo buộc hãm hiếp vào năm 2010.

Phán quyết của Tòa quận Uppsala đã dập tắt ý định của các công tố viên Thụy Điển với hy vọng có thể phát lệnh bắt phạm vi toàn châu Âu đối với ông Assange, một bước đi cần thiết để yêu cầu dẫn độ ông này về nước để xét xử, theo Đài CNN ngày 4.6.
Tòa án đồng ý với các công tố viên rằng ông Assange có thể bỏ trốn qua đường hàng không, nhưng cho hay không cần thiết phải bắt đối tượng.
Cuộc điều tra về cáo buộc hãm hiếp ở Thụy Điển là nguyên nhân chính khiến ông Assange trốn trong sứ quán Ecuador tại London (Anh) suốt gần 7 năm qua.
Nhà sáng lập WikiLeaks tháng 6.2012 đã tiến vào tòa nhà, không lâu sau khi bị xử thua trong cuộc chiến pháp lý diễn ra tại Tòa Tối cao Anh nhằm dẫn độ ông về nước.
Đại diện công tố viên Thụy Điển họp báo về phán quyết của tòa Uppsala Reuters
Ông Assange lẩn trốn tại đó cho đến tháng 4.2019, thời điểm bị áp giải khỏi nơi này và cuộc điều tra về cáo buộc trên một lần nữa được khởi động trở lại.
Luật sư của ông Assange là Per E Samuelson cho biết thân chủ bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng không cần thiết phải bắt giữ ông. “Ông Assange luôn bày tỏ thái độ hợp tác” với giới chức trách, theo Reuters dẫn lời luật sư.
Cùng lúc, Mỹ cũng có ý định dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks.
Hãng AFP ngày 24.5 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ vừa ra quyết định truy tố nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange vi phạm Đạo luật Gián điệp khi xuất bản các hồ sơ quân sự và ngoại giao của nước này vào năm 2010.
[VIDEO] Truy tố nhà sáng lập Wikileaks tội danh gián điệp là 'tấn công trực diện' vào báo chí
Theo đó, ông Assange (48 tuổi, quốc tịch Úc và Ecuador) đối diện 17 tội danh và bị cáo buộc chỉ đạo và xúi giục chuyên gia phân tích tình báo Chelsea Manning đánh cắp các hồ sơ của Mỹ cũng như tiết lộ các nguồn tin mật ở Trung Quốc và Trung Đông có tên trong đó.
Vì cáo trạng bác bỏ lý lẽ của ông Assange rằng ông chỉ là nhà báo và chỉ xuất bản những thông tin bị rò rỉ, nên ông không còn được bảo vệ theo tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ đảm bảo quyền tự do của báo chí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.