Tính khả thi của phán quyết về Biển Đông

31/07/2016 04:54 GMT+7

Các quốc gia và tổ chức phi chính phủ có thể gây áp lực lên Trung Quốc nhằm thay đổi hành vi của họ sau phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS).

Tính khả thi của phán quyết về Biển Đông 1
Ảnh: NVCC
Ngày 21.6.2013, Tòa trọng tài chính thức được thành lập theo đơn kiện của Philippines vào tháng 1.2013. Trong suốt quá trình tố tụng, từ những thủ tục đầu tiên cho đến khi Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12.7.2016, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của tòa và hiệu lực pháp lý của các phán quyết. Sau khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc vẫn lặp lại quan điểm này đồng thời có nhiều động thái tiêu cực, thậm chí là nêu lên việc sẽ rút khỏi UNCLOS như một hình thức phản đối.
Mặc dù Tòa trọng tài chỉ tuyên bố phán quyết đối với các bên trong vụ kiện nhưng nội dung phán quyết cũng có ý nghĩa đối với những quốc gia khác tại Biển Đông. Phán quyết của Tòa trọng tài rõ ràng đã góp phần định hình quy chế cho các vùng biển và thực thể trên Biển Đông. Trong đó đáng lưu ý là kết luận về nội dung bản đồ “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc cũng không có đủ cơ sở pháp lý để tuyên bố “quyền lịch sử” trên biển. Phán quyết còn khẳng định không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa đủ điều kiện được hưởng quy chế thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), có thể tạo ra vùng biển lên đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở… Với những nội dung then chốt như vậy, có thể thấy phán quyết đã làm giảm đi đáng kể diện tích vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Điều này sẽ tác động to lớn tới chiến lược của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc.
Áp lực công luận
Phán quyết của Tòa trọng tài đã giáng mạnh vào các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và Bắc Kinh đã có phản ứng tức thì đối với nội dung phán quyết. Nước này đã tham gia vào một chiến dịch không ngừng phá hoại uy tín của phán quyết cũng như cố gắng gây áp lực để ngăn chặn phán quyết. Tuy nhiên, việc rút khỏi UNCLOS như hình thức để không bị ràng buộc bởi hiệu lực phán quyết sẽ là không thể.
Trước hết, phán quyết đã có hiệu lực và vì vậy việc rút khỏi công ước chỉ có thể là biện pháp tránh một vụ kiện tiếp theo trong tương lai (nếu có).
Mặt khác, UNCLOS cũng đem lại những lợi ích nhất định đối với Trung Quốc trong việc phân định biển khi họ có thể mở rộng ranh giới EEZ và thềm lục địa ra ngoài giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở trên biển Hoa Đông (nơi nước này có tranh chấp với Nhật Bản).
Cuối cùng, với tư cách là một cường quốc đang muốn thể hiện vai trò lãnh đạo trên thế giới, việc rút khỏi một điều ước quốc tế mà mình đã ký kết và chịu sự ràng buộc rõ ràng sẽ làm giảm uy tín và hình ảnh của họ trong quan hệ quốc tế.
Tính khả thi của phán quyết về Biển Đông
Quang cảnh một phiên xử của Tòa trọng tài Ảnh: PCA
Ở đây, khi phân tích về tác động và hậu quả pháp lý của phán quyết, cần phải lưu ý rằng LHQ hay các tổ chức quốc tế đều không có bất cứ một cơ chế cưỡng chế nào để buộc quốc gia phải thi hành phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế do họ bảo trợ. Tòa án quốc tế không có một cơ quan “cảnh sát quốc tế” để giúp họ thi hành phán quyết, nhưng họ có thể dựa vào một số quốc gia và tổ chức phi chính phủ để gây áp lực lên quốc gia nhằm thay đổi hành vi của họ sao cho phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.
Bằng cách này, các phán quyết của tòa án quốc tế sẽ cung cấp đòn bẩy pháp lý, chính trị, và là biểu tượng có thể được sử dụng bởi các tác nhân trong nước và quốc tế để thay đổi các hành vi, chính sách của một quốc gia phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, ngay cả khi sự thay đổi đó không tuân theo một cách chính xác một số yêu cầu của phán quyết.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này chính là vụ kiện giữa Nicaragua với Mỹ. Trong vụ kiện này Mỹ đã từ chối thẩm quyền của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) cũng như giá trị pháp lý của phán quyết. Tuy nhiên, sau khi ICJ ban hành phán quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt những hành động hỗ trợ các lực lượng Contras trong cuộc đấu tranh chống lại chính phủ Sandinista ở Nicaragua, quốc hội Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của chính quyền Tổng thống Ronald Reagan về việc viện trợ cho lực lượng Contras. Thời gian gián đoạn viện trợ đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh của Contras và sau đó họ không còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính phủ Nicaragua.
Trong trường hợp này, hành động của các tác nhân trong nước mang lại một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.
Gần đây nhất, có thể kể tới vụ kiện năm 2014 của Hà Lan với Nga liên quan tới tranh chấp về việc Nga bắt giữ tàu Arctic Sunrise và thủy thủ đoàn của tàu này trong khu vực EEZ của Nga. Tòa trọng tài xem xét vụ việc này đã tuyên bố Nga vi phạm quy định của UNCLOS và phạt Nga về việc bắt giữ tàu Arctic Sunrise. Nga cương quyết từ chối thẩm quyền của tòa vì cho rằng biện pháp của mình là hợp pháp đối với hành vi vi phạm tài sản quốc gia căn cứ vào luật hình sự của Nga. Tuy nhiên, sau đó chính phủ Nga cũng đã thả tàu và có một khoản bồi thường với lý do “nhân đạo”.
Trong cả hai ví dụ trên có thể thấy rằng các cường quốc có thể phản ứng tiêu cực trước một phán quyết bất lợi cho họ nhưng họ sẽ cân nhắc những giải pháp mềm dẻo để giữ uy tín trong quan hệ quốc tế.
Mang tính ràng buộc
Nhìn lại vụ kiện Philippines với Trung Quốc, có thể thấy phán quyết của Tòa trọng tài chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ tới giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Ngay cả khi đối mặt với việc Trung Quốc không thi hành thì phán quyết vẫn có thể là một căn cứ được sử dụng bởi các bên liên quan để tác động thay đổi tổng thể trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc và buộc nước này phải tôn trọng luật quốc tế, chẳng hạn như hạn chế các hành vi đơn phương khai thác tài nguyên khoáng sản trên vùng biển của quốc gia khác, cản trở ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông.
Tất nhiên, kết quả cuối cùng vẫn còn phải phụ thuộc vào cách mà các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ phản ứng ra sao với phán quyết.
Trong một thế giới lý tưởng, Trung Quốc sẽ tham gia và tôn trọng quyết định của tòa. Tuy nhiên, việc không tuân thủ của quốc gia này không thể nói lên được rằng phán quyết của Tòa trọng tài thất bại, cũng không phải là một bằng chứng cho thấy chính sách thực tế có hiệu lực cao hơn pháp luật. Thay vào đó, phán quyết đưa một số lợi ích rất thực tế mà không chỉ tập trung vào việc không tuân thủ của Trung Quốc. Mục tiêu của phán quyết là đưa ra kết luận cuối cùng mang tính ràng buộc trong một vụ tranh chấp pháp lý về việc giải thích và áp dụng UNCLOS.
Phán quyết cũng không giải quyết các tranh chấp phức tạp và đa dạng về chủ quyền ở Biển Đông của các bên, nhưng là một bước cần thiết giúp làm sáng tỏ các vấn đề đã gây tranh cãi trong một thời gian dài.
Khi vụ việc lắng xuống, có lẽ Trung Quốc sẽ thấy giá trị của việc giải quyết tranh chấp bằng một bên thứ ba về luật Biển sẽ giống cách mà một phán quyết quốc tế được công nhận giá trị trong các tranh chấp thương mại. Đến lúc đó, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác sẽ khó lòng bỏ qua phán quyết khi đàm phán giải quyết về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tính hợp pháp của phán quyết
Theo UNCLOS, khi các nước thành viên của công ước này không tìm được tiếng nói chung đối với một thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan tới việc giải thích quy định của UNCLOS thì vụ tranh chấp đó sẽ được giải quyết theo thủ tục trọng tài. Như vậy, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ có thẩm quyền “đương nhiên” đối với vụ việc (ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ được quy định tại điều 287, 289 UNCLOS). Theo điều 289 (2) UNCLOS, quốc gia có thể tuyên bố không chấp nhận thủ tục trọng tài nếu tranh chấp liên quan tới: (I) việc giải thích hay áp dụng điều 15 (phân định lãnh hải), điều 74 (phân định vùng đặc quyền kinh tế) và điều 83 (phân định thềm lục địa) hay các tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử, (II) hoạch định ranh giới biển đã được các bên thỏa thuận, (III) hoạt động quân sự trên biển, (IV) các tranh chấp thuộc thẩm quyền của Hội đồng bảo an LHQ. Cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên của UNCLOS và có cam kết chấp thuận các nguyên tắc và quy định của điều ước này.
Trong vụ kiện với Philippines vừa qua, Trung Quốc cho rằng khiếu kiện của Philippines rơi vào trường hợp ngoại lệ của UNCLOS và vì vậy đã viện dẫn điều 289 UNCLOS để không tham gia vào quy chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Philippines không kiện về vấn đề chủ quyền và phân định biển cũng như các vấn đề khác của điều 289. Chính vì vậy có thể khẳng định Tòa trọng tài được thành lập phù hợp với UNCLOS và vì vậy có thẩm quyền giải quyết bắt buộc đối với các khiếu nại của Philippines. Phán quyết của Tòa trọng tài vì vậy cũng hợp pháp và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp của vụ kiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.