Tổng thống Duterte và những sự cố ngoại giao 'khó đỡ'

06/09/2016 12:56 GMT+7

Từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan chức Liên Hiệp Quốc đến Giáo hoàng Francis... tất cả đều là “nạn nhân” từ tính khí cũng như lời lẽ của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte.

Ngày 6.9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Mỹ Ned Price cho biết Tổng thống Barack Obama đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Lào. Đây được xem là kết quả của việc ông Obama bị ông Duterte xúc phạm trong một phát biểu ngày trước đó.

Sự cố ngoại giao này vốn dĩ không lạ đối với những người theo dõi Tổng thống Duterte lâu nay. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng từ lúc nhậm chức tổng thống Philippines, ông Duterte đã khiến dư luận thế giới sốc nặng với nhiều phát ngôn bị đánh giá lăng nhục người khác.

Xúc phạm Giáo hoàng Francis

Hồi tháng 5 năm nay, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Duterte, Peter Lavina đã đánh tiếng về việc ông Duterte sẽ đến Vatican để xin lỗi Giáo hoàng Francis sau một phát biểu xúc phạm.

Ông Duterte ngỏ ý xin lỗi Giáo hoàng Francis sau phát ngôn xúc phạm Giáo hoàng Reuters

Đó là khi ông Duterte kể lại với AFP rằng mình đã rất bức xúc với tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Philippines năm 2015. Khi ấy, hàng triệu người dân Philippines đổ xuống đường đón Giáo hoàng khi ông đến thăm nước này. Ông Duterte, được cho đã dùng chiêu trò phát ngôn để gây chú ý, gọi Giáo hoàng là “con của gái điếm” và rằng ông hãy về nước, đừng gây rắc rối cho Philippines nữa.

Đòi đá vào mông đặc sứ

Biến đổi khí hậu là vấn đề được cả thế giới quan tâm, hứa hẹn để chống lại hậu quả của nó, nhưng với ông Duterte thì không. Trong tháng 7, Tổng thống Philippines gây sốc khi đòi đá... vào mông những ai buộc Philippines phải cam kết lời hứa giảm khí thải carbon.

“Các anh đang cố ngăn trở chúng tôi bằng loại thỏa thuận mà các anh muốn. Thật ngu xuẩn. Tôi sẽ không tôn trọng nó. Anh ta cứ nói, rồi bạn ký hay sao. Đó chẳng phải chữ ký của tôi", trang tin Rappler dẫn lời ông Duterte trả lời câu hỏi của một đặc sứ môi tường trong buổi họp báo ngày 18.7.

Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu COP21 ở Paris năm 2015, có 175 quốc gia và lãnh thổ đã cam kết giảm khí thải carbon và chuẩn bị mọi thứ để chống lại hậu quả của việc trái đất nóng lên. Philippines cũng đã hứa giảm thải khí carbon đến 70% tính đến năm 2030. Tuy nhiên với ông Duterte, đó là một thỏa thuận gây cản trở cho sự phát triển kinh tế của nước này.

“Đó là lý do tại sao tôi nổi điên. Giờ có ông đặc sứ ở đây. Tôi muốn đá ông này. Ông ta làm tôi nhớ tới các loại khí thải, carbon...”, ông Duterte nói.

Sỉ nhục đại sứ Mỹ

Tháng 8.2016, đại sứ Mỹ Philip Goldberg bỗng dưng nổi như cồn vì xuất hiện trong câu chuyện lăng mạ của Tổng thống Philippines.

Phát biểu trước quân đội Philippines tại căn cứ Lapu Lapu, Tổng thống Duterte khẳng định đã gọi ông Philip Goldberg là “đứa con đồng tính của một ả điếm”.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama thường không hài lòng về vấn đề nhân quyền ở Philippines, nhưng Tổng thống Duterte không bao giờ chấp nhận sự "can thiệp" ấy Reuters

"Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và tôi nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông ấy ổn thôi, nhưng tôi có vấn đề với tay đại sứ (Philip Goldberg), tay đại sứ đồng tính của ông ấy đấy. Y can thiệp vào suốt cuộc bầu cử, đưa ra những tuyên bố này nọ. Anh đâu cần phải làm thế”, đài ABS-CBN dẫn lời Tổng thống Duterte kể lại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry.

Không gặp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc

Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric hôm 1.9 nói rằng tổ chức này cố gắng liên lạc để sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thư ký Ban Ki-moon với Tổng thống Philippines tại diễn đàn ASEAN diễn ra tại Lào ngày 6.9, nhưng đề nghị này bị từ chối. Phía Philippines giải thích rằng lịch trình của Tổng thống Duterte quá bận rộn và không thể gặp tất cả.

Mối quan hệ giữa ông Duterte và Liên Hiệp Quốc khá căng thẳng. Ông đã bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích vì số người chết trong chiến dịch chống ma túy trong nước, nhưng khẳng định rằng mình không làm gì sai và Liên Hiệp Quốc đừng can thiệp.

Hồi tháng 6.2016, ông Duterte cũng bảo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nên “về nhà và đi ngủ đi”, sau khi bị chất vấn về cuộc chiến chống ma túy nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.