Hiệp ước Bầu trời mở được Mỹ và Liên Xô cân nhắc thành lập từ những năm 1950 để tăng tính minh bạch trong việc điều quân và triển khai vũ khí hạt nhân.
Đến năm 2002, hiệp ước mới có hiệu lực, cho phép các thành viên thực hiện chuyến bay giám sát trên bầu trời của nhau. Ngoài Mỹ và Nga còn có nhiều nước châu Âu tham gia hiệp ước.
Hồi tháng 5.2020, Mỹ thông báo rút khỏi hiệp ước và quyết định có hiệu lực vào tháng 11 cùng năm. Chính quyền Mỹ cáo buộc Nga vi phạm điều khoản hiệp ước, nhưng phía Nga nói Mỹ không đưa ra bằng chứng nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin ngày 11.5 nói rằng một trong những lý do Nga muốn rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở là do Mỹ vẫn nhận được thông tin tình báo thông qua các đồng minh NATO là thành viên của hiệp ước, theo đài RT.
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden không sẵn sàng tái ký kết hiệp ước cũng được cho là nguyên nhân khiến Nga ra quyết định. Hồi tháng 1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo khởi động quy trình trong nước để rút khỏi Bầu trời mở vì nhận thấy thiếu tiến triển trong đàm phán để tiếp tục hiệp ước trong tình hình mới.
Dự luật rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở của Tổng thống Putin chỉ có hiệu lực khi Duma Quốc gia (hạ viện), Hội đồng Liên bang (thượng viện) thông qua và nhà lãnh đạo Nga ký ban hành.
Bình luận (0)