Dự án tuyến đường sắt dài 414 km từ biên giới Lào - Trung Quốc đến thủ đô Vientiane khởi công hồi tháng 12.2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2021. Theo thỏa thuận, công ty đường sắt liên doanh Trung Quốc - Lào được thành lập để xây dựng tuyến đường sắt trị giá 6 tỉ USD (139.433 tỉ đồng) với 74 đường hầm và 167 cây cầu.
Phía Trung Quốc đầu tư 70% vốn và Lào chịu trách nhiệm 30%, tức 1,8 tỉ USD. Chính phủ Lào còn phải cam kết sử dụng 40% trong phần vốn góp của mình (tương đương 720 triệu USD) để trang trải chi phí xây dựng giai đoạn đầu, bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng, theo tờ The Laotian Times. Để có thể giải ngân ngay số tiền này, phía Lào chi ngân sách 250 triệu USD và vay 470 triệu USD còn lại từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc với lãi suất 2,3%/năm, thời hạn tối đa 35 năm (điều chỉnh lãi suất 5 năm/lần).
Theo tờ Nikkei Asian Review, chính phủ Lào kỳ vọng tuyến đường sắt sẽ mang về doanh thu trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất. Thứ trưởng Giao thông và Công trình công cộng Lattanamany Khounnyvong cho biết doanh thu có thể được dùng để trả nợ trong vòng 30 năm, nhưng thừa nhận bản thân ông cũng còn mơ hồ về dự án. Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Lào sẽ dùng nguồn thu nào để có 1,08 tỉ USD vốn góp còn lại. Trang Asia Times dẫn lời một số quan chức ngân hàng giấu tên ở thủ đô Vientiane tiết lộ phần vốn này có thể được trả bằng các dự án giao đất hoặc khai thác khoáng sản.
Đến nay, hơn 80% trong tổng số 3.832 ha đất trong dự án đường sắt đã được bàn giao cho nhà thầu Trung Quốc, có 4.411 hộ gia đình tại nhiều tỉnh và thủ đô Vientiane phải di dời. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa nhận được tiền đền bù khiến người dân bức xúc, theo The Laotian Times. “Chúng tôi nhận thông báo di dời nhưng không biết gì về mức đền bù. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả cho đến khi nhận được tiền”, bà Samkhan Koomsanyalat ở ngoại ô thị trấn Vang Vieng (tỉnh Vientiane) cho biết. Ông Pothong Ngonphachanh, thành viên Ủy ban Quản lý dự án đường sắt Lào - Trung Quốc, xác nhận có tình trạng nhiều hộ gia đình bị giải tỏa chưa nhận được tiền đền bù.
Bên cạnh đó, số lượng nhân công tham gia dự án trên 30.000 người, nhưng đa phần từ Trung Quốc. Thứ trưởng Lattanamany thừa nhận không có nhiều công ăn việc làm mới cho người dân địa phương do Lào thiếu chuyên môn nên phải phụ thuộc vào công nghệ và nhân lực Trung Quốc. Ngoài ra, theo Asia Times, tại những khu trại công nhân, toàn bộ nhu yếu phẩm đều được cung cấp từ Trung Quốc nên người dân Lào cũng không có cơ hội kinh doanh nào. Về dài hạn, sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường sắt có thể giúp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa giá rẻ Trung Quốc vốn đang tràn ngập thị trường Lào, đe dọa các ngành sản xuất nội địa, theo giới chuyên gia. “Tuyến đường sắt phục vụ mục đích kinh tế và chính trị nhưng tôi không biết hiệu quả dành cho Lào được bao nhiêu”, một nhà phân tích giấu tên ở Vientiane nói với Asia Times.
Malaysia hoãn nhiều dự án với Trung Quốc
Ngày 21.8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thông báo hoãn 1 dự án đường sắt và 2 dự án đường ống dẫn khí đốt có tổng giá trị 22 tỉ USD ký với Trung Quốc cho đến khi giải quyết được số nợ quốc gia lên tới khoảng 250 tỉ USD. Tuyên bố được đưa ra ngay trước khi ông Mahathir rời Trung Quốc, kết thúc chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Tờ South China Morning Post dẫn lời nhà lãnh đạo Malaysia cho rằng những dự án này quá tốn kém trong khi chưa thật sự cần thiết. Ông cho biết đã nêu quan điểm với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và “đã được thông cảm”. Cả 3 dự án được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Najib Razak, nhưng sau khi ông Mahathir nhậm chức hồi tháng 5 thì các dự án này bị xét duyệt lại vì cáo buộc thiếu minh bạch, vấn đề kinh phí và những điều khoản bất lợi cho Malaysia. Vi Trân
|
Bình luận (0)