Đó là thông điệp được hai tác giả Kishore Mahbubani và Jeffery Sng chuyển tải trong cuốn sách mới có tựa đề The ASEAN Miracle: A Catalyst for Peace (tạm dịch Phép màu ASEAN: Một chất xúc tác cho hòa bình). Giáo sư Mahbubani là Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, còn ông Sgn là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á làm việc tại Bangkok (Thái Lan). Theo các tác giả, sẽ hoàn hảo nếu ASEAN được trao giải Nobel Hòa bình trong năm nay, khi tổ chức này bước sang tuổi 50.
Không “chết yểu”
Vào năm 2012, Liên minh Châu Âu (EU) đã được trao giải Nobel Hòa bình “vì có hơn 60 thập niên đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu”. Các tác giả cuốn sách lập luận rằng ASEAN đã đóng góp theo cách tương tự vào sự tiến bộ của Đông Nam Á và người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, khối này cũng đã giúp tạo ra một “hệ sinh thái hòa bình” với tầm ảnh hưởng lan đến các khu vực Đông Á, Nam Á và xa hơn nữa.
“Khi ASEAN ra đời vào ngày 8.8.1967, nó đã được trù định là thất bại”, tờ The Straits Times dẫn lời ông Mahbubani phát biểu. Lý do được ông viện dẫn là 2 tổ chức tiền thân, Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) và Maphilindo (Malaya - Philippines - Indonesia) đã chết yểu sau 2 năm và khu vực Đông Nam Á trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong các thập niên 1960 và 1970. Tuy nhiên, qua nhiều năm, tổ chức ASEAN đã mang đến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.
Trong cuốn sách trên, hai tác giả đã chứng minh các nước ASEAN là những tấm gương về sự cùng tồn tại của các nền văn minh khác nhau, trong một kỷ nguyên mà một sự chung sống hòa bình như thế, đặc biệt là giữa Hồi giáo và phương Tây, là điều khó hình dung.
Tại khu vực từng được ví như “Balkan của châu Á” vì những chia rẽ sâu sắc, ASEAN đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội cho 625 triệu dân thuộc nhiều dân tộc, tín ngưỡng và thiên hướng chính trị khác nhau. “Sự hội nhập của Việt Nam, Campuchia và Lào vào ASEAN đã diễn ra khá suôn sẻ. Việc chuyển đổi một cách hòa bình từ chính quyền quân sự sang dân chủ ở Myanmar là một phép màu mà ASEAN đã làm được”, tờ The President Post (Indonesia) dẫn lời cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo bình luận.
Các tác giả cũng cho rằng những thành tựu của ASEAN trong vai trò tác nhân khởi xướng cho sự hợp tác sâu hơn giữa khu vực Đông Nam Á với các nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản thường không được chú ý và đánh giá đầy đủ.
tin liên quan
Sôi động du lịch chữa bệnh ở Đông Nam ÁTheo giới chuyên môn, ngành y mỗi nước có thế mạnh riêng về chuyên môn và dịch vụ nên bệnh nhân cần cân nhắc để tránh tốn kém không cần thiết.
Những thách thức
Bên cạnh việc nêu bật những thành tựu của ASEAN, cuốn sách cũng đưa ra một cái nhìn sâu sắc về hướng đi sắp tới. Nói như cựu thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun: “Các ông Mahbubani và Sng đã giúp thế giới tập hợp tài liệu về câu chuyện thành công này và đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm củng cố hơn nữa khối ASEAN”.
Những cơ hội và thách thức đối với ASEAN trong bối cảnh có sự cạnh tranh về chiến lược ngày càng quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Và như cuốn sách nêu rõ, ASEAN phải tiếp tục phát triển, cũng như phải tránh những rủi ro bị bỏ mặc và suy tàn, đặc biệt trong thời điểm lãnh đạo một số quốc gia trong khối có xu hướng tập trung cho các vấn đề quốc nội.
“Chúng ta không thể xem thường thành công của mình. Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để củng cố, và nếu cần, phải đổi mới ASEAN. Cuốn sách này chỉ rõ nên làm như thế nào”, cựu tổng thống Indonesia Bambang Susilo Yudhoyono bình luận.
Theo tờ The President Post, cuốn sách vừa được phát hành có thể khích lệ người dân Đông Nam Á suy nghĩ về vị trí của họ trên thế giới, và đưa ra lý giải tại sao việc mỗi quốc gia thành viên ý thức được mình là một phần của ASEAN lại có vai trò thiết yếu đối với giai đoạn phát triển tiếp theo của khối này.
tin liên quan
Quản lý hàng rong ở các nước ASEANViệc người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè là tình trạng nhiều nước ASEAN đã và đang phải đối mặt.
Các ông Mahbubani và Sng không phải là những người đầu tiên đặt vấn đề về một giải Nobel Hòa bình cho ASEAN. Trong một thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23.1 trên tờ The Nation, cây bút Thái Lan Kavi Chongkittavorn đã viết: “Giống như EU, ASEAN nên là một ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình trong thập niên tới, xét về bước tiến dài và ấn tượng đến hòa bình và ổn định”. Đây cũng là lần thứ hai cây bút Thái Lan đưa ra ý kiến trên, sau một bài viết được đăng tải vào tháng 8.2014.
|
Bình luận (0)