Vào ngày 10.6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) của Trung Quốc thông qua một dự luật cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thực hiện các kế hoạch được soạn thảo hồi tháng 6.2020 nhằm biến đảo Hải Nam “thành cảng thương mại tự do”. Theo đó, các thuế sẽ được giảm xuống còn 0% theo nguyên tắc trước năm 2025 và các doanh nghiệp cũng như cá nhân sẽ được giảm thuế.
Cạnh tranh với Hồng Kông?
Chính phủ Trung Quốc muốn biến đảo Hải Nam thành trung tâm tài chính cũng như một điểm đến đối với những người mua sắm Trung Quốc, mở rộng những chức năng mà lâu nay phần lớn tập trung ở Hồng Kông, theo tờ Nikkei Asia.
Trong những năm gần đây, đảo Hải Nam thu hút du khách Trung Quốc bằng chính sách mua sắm miễn thuế, với mục tiêu thay thế vị thế của Hồng Kông là một điểm đến mua sắm hàng đầu của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thể trở thành trung tâm tài chính như Hồng Kông.
|
Hồi tháng 4, giới chức Trung Quốc, trong đó có người của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã lập các chính sách nhằm mở cửa ngành tài chính của đảo Hải Nam. Theo đó, một số quỹ đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của một số công ty tư nhân Trung Quốc cũng như tự do chuyển nguồn vốn vào và ra khỏi Trung Quốc với hạn mức nào đó. Các công ty ở Hải Nam cũng có thể huy động vốn từ ngân hàng nước ngoài với hạn mức cao hơn.
Trung Quốc được cho là muốn tránh bị cô lập về kinh tế giữa lúc có căng thẳng với Mỹ và châu Âu, nên hy vọng thu hút các doanh nghiệp và nhân tài từ nước ngoài bằng các chính sách ưu đãi về tài chính và thương mại. Chính phủ Trung Quốc cũng đang muốn đẩy mạnh nhu cầu nội địa, khi căng thẳng với Washington có thể khiến triển vọng cho các thị trường xuất khẩu bị nghi ngờ. Thông qua những cải cách ở đảo Hải Nam, chính phủ Trung Quốc muốn đưa về nước nhu cầu đã được đáp ứng ở nước ngoài, theo Nikkei Asia.
Nhiều thách thức
Hải Nam hiện được cho là nơi thử nghiệm cho các chương trình mà sẽ được áp dụng cho các thành phố ở lục địa Trung Quốc nếu thành công. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch làm cho đảo Hải Nam trở thành “đảo năng lượng sạch”, đang kêu gọi tạo nguồn điện sạch chiếm 85% công suất tạo điện và chấm dứt bán các loại xe chạy bằng xăng truyền thống trước năm 2030.
Đảo Hải Nam cũng có thể trở thành nơi thử nghiệm cho chính sách bất động sản của Trung Quốc. Bộ Tài chính nước này đang xem xét thử nghiệm đánh thuế bất động sản ở nhiều thành phố để kiềm chế giá cả tăng cũng như ổn định hóa nguồn vốn trong nước và nhiều chuyên gia cho rằng đảo Hải Nam là ứng viên hàng đầu.
|
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng được cho là đang có kỳ vọng cao đối với Hải Nam, nhưng vẫn có nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu lao động. “Lực lượng lao động yếu và mỏng của chúng tôi là rào cản đối với sự phát triển. “Bí thư tỉnh ủy Hải Nam Lưu Tứ Quý cho hay hồi tháng 6.2020.
Ngoài ra, địa chính trị có thể gây ra nguy cơ. Mỹ và châu Âu gần đây đã áp lệnh cấm vận lên Trung Quốc về nhiều vấn đề và Bắc Kinh cũng đã thông qua dự luật cung cấp cơ sở pháp lý để đáp trả. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, các công ty hoạt động ở Hải Nam có thể bị ảnh hưởng, theo Nikkei Asia.
Bình luận (0)